Gần đây, giới truyền thông liên tục cảnh báo về nguy cơ trẻ em Việt Nam bị nghiện thiết bị số. Kết quả cuộc khảo sát xã hội "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh" do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion công bố thực sự khiến xã hội phải giật mình, nhất là những người làm cha mẹ.
Khảo sát xã hội trên cho biết: 78% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi ở thành thị đã tiếp cận thiết bị số (điện thoại, máy tính bảng, laptop..). Đa số trẻ được dùng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý và có dấu hiệu gia tăng... Đại đa số phụ huynh VN đang bị động trong việc cho trẻ sử dụng các thiết bị này. Nhiều người còn có khuynh hướng dùng thiết bị số như “cứu cánh” để dỗ trẻ, "giữ trẻ" thay mình. Họ hoàn toàn không có thông tin, kiến thức rõ ràng về lợi ích và tác hại của sản phẩm này đến trẻ, không có cách kiểm soát, định hướng về thời lượng, nội dung...
Do vậy, bên cạnh những lợi ích to lớn mà thiết bị số mang lại như giúp trẻ có kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi hiệu quả hơn, tiếp cận được những xu hướng mang tính thời đại..., khi sử dụng thiết bị số thường xuyên một cách thiếu kiểm soát, trẻ có nguy cơ xao nhãng học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện...
Từ thượng tôn thiết bị số, trước những cảnh báo này, nhiều phụ huynh hoang mang mà chọn thái cực ngược lại: Cách ly, cấm đoán trẻ hoàn toàn trước thiết bị số. Đây cũng là một thái độ sai lầm. TS.Nguyễn Thị Hảo, Phó Trưởng Khoa Giáo dục - Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM, trong dịp công bố cuộc khảo sát xã hội trên, đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này:
- Thưa bà, việc nuôi dạy trẻ trong các gia đình VN hiện nay đang có những vấn đề lớn nào? Việc nhiều phụ huynh không thể quản lý được trẻ bằng một lối sinh hoạt lành mạnh mà phải phụ thuộc và lạm dụng các thiết bị số phản ánh điều gì?Hệ lụy có phải chỉ ở mặt thể chất của trẻ?
Một trong những khó khăn của gia đình trẻ Việt Nam hiện nay là làm thế nào để cha mẹ cân bằng thời gian giữa công việc, các mối quan hệ gia đình - xã hội và việc nuôi dạy con cái. Họ, những vợ chồng trẻ, thường có rất ít con nên đặt hết kỳ vọng và dành những điều kiện tốt nhất cho con cái mình. Việc cho con tiếp cận các thiết bị thông minh ngay từ nhỏ cũng là một biểu hiện cho điều đó.
Tuy nhiên, làm thế nào để các thiết bị thông minh phát huy ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển tinh thần và trí tuệ của trẻ thì không phải cha mẹ nào cũng quan tâm và hiểu biết đầy đủ. Do vậy, hầu hết các trường hợp trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của nhiều cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi con mình rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện.
Thực trạng này phần nào phản ảnh cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến tác động, cả mặt tích cực và tiêu cực, của thiết bị công nghệ đối với trẻ. Vì thế, họ không thật quan tâm đến việc kiểm soát và dạy con cách sử dụng thiết bị công nghệ theo cách hữu ích nhất. Điều đó cũng cho thấy cha mẹ phần lớn dễ dãi trong giáo dục con. Đến lúc nhận ra tác hại của sự dễ dãi này thì họ thường phản ứng bằng cách không cho con tiếp xúc với thiết bị số nữa. Vô hình chung, thay vì phát huy các thiết bị công nghệ như một công cụ hữu ích để giáo dục và phát triển tinh thần, trí tuệ cho trẻ thì họ lại xem thiết bị thông minh như là nguyên do của mọi hạn chế ở con họ.
Rõ ràng, các thiết bị thông minh có tác động không nhỏ không chỉ đến thể chất mà cả tinh thần, trí tuệ và nhân cách nói chung của trẻ. Tác động ấy theo hướng tích cực hay hạn chế là do sự kiểm soát, định hướng, quản lý và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con.
Cho trẻ tiếp cận với những phương tiện học tập và giải trí hiện đại như máy tính bảng cần thiết đến mức độ nào trong xã hội ngày nay? Tâm lý e ngại hay sợ hãi các công nghệ hiện đại và cách ly trẻ khỏi các thiết bị ấy cũng có thể gây nên hệ lụy nào?
Không thể phủ nhận vai trò của các thiết bị thông minh đối với việc học tập và giải trí không chỉ đối với trẻ em hiện nay. Chương trình giáo dục, giải trí, tài liệu học tập bổ ích được truyền tải qua các thiết bị thông minh ngày càng đa dạng, phong phú. Đây là nguồn tài nguyên học tập và rèn luyện không thể thiếu cho thế hệ trẻ hiện đại.
Vì vậy, không cho trẻ cơ hội tiếp xúc và khai thác nguồn tài nguyên này là một sự hạn chế rất lớn trong việc giúp phát huy tiềm năng của trẻ.Việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh như thế nào để mang lại hữu ích cho trẻ là điều quan trọng nhất. Chính cha mẹ và người thân của trẻ sẽ quyết định đến tác động của thiết bị thông minh đối với trẻ.
guồn: Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục
Vân Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét