Lúc bé, tôi thường thích xem phim Pink Panther có diễn viên Peter Sellers đóng vai thám tử Clouseau vụng về. Lần nào về đến nhà, Clouseau cũng phải chuẩn bị tinh thần với cú đá karate bất ngờ của anh bạn đồng nghiệp Kato. Clouseau đã hướng dẫn cho Kato những cú tấn công bất ngờ này để ngài thanh tra có cơ thể săn chắc và sẵn sàng với mọi thứ.
Không hề báo trước, khi con trai tôi lên sáu tuổi, cháu trở thành nhân vật Kato. Sau một ngày dài làm việc vất vả, tôi hẳn sẽ bước qua cửa, vào ngôi nhà có vẻ bình yên, cho đến khi, không biết từ đâu, con trai tôi nhảy ra từ phía sau, vật tôi xuống sàn và ngồi lên đầu tôi. Chẳng mấy khi cháu chờ được tới khi tôi cất cặp và thay xong quần áo.
Mong muốn được chơi đấu vật của cháu và mong muốn thư giãn của tôi đã dẫn tới những cuộc xung đột liên miên. Nếu cháu tiếp tục xô vào tôi dù cho tôi đã cảnh cáo trước, thì tôi sẽ làm dấu tạm nghỉ với cháu. Nhưng tối hôm sau sự việc lại như cũ. Một hôm, tôi thực sự mệt mỏi và chẳng có tâm trạng nào để chơi cả. Tôi bước vào nhà, cảnh báo cháu rằng đừng tấn công tôi, vì tôi còn phải làm một số công việc giấy tờ. Cháu vẫn túm lấy tôi, và mỉm cười khi cố vật tôi xuống sàn nhà. Tôi cố ra dấu tạm nghỉ với cháu, nhưng cháu kháng cự. Tôi dọa sẽ không cho cháu chơi đồ chơi ưa thích nếu cháu không chấm dứt. Sau một hồi gào khóc, cháu tạm nghỉ vài phút. Sau đó, khi cả hai đã thấm mệt, cháu nói: “Bố ơi, con chỉ muốn được chơi với bố thôi mà. Chẳng mấy khi con được gặp bố vì bố làm việc nhiều quá”.
Tôi nhận ra rằng cháu hoàn toàn đúng. Cháu liên tục cố gắng kéo tôi vào trò chơi, chẳng qua cháu làm chưa đúng cách mà thôi. Mặc dù tôi không thích trò “Kato”, nhưng cháu xứng đáng được vui chơi với tôi nhiều hơn.
Thay đổi những tình huống gây ra vấn đề
Tôi và con trai đồng ý với nhau rằng tôi sẽ chơi với cháu ngay khi về nhà, nhưng phải sau khi tôi đã cất cặp và thay quần áo. Để thực hiện cam kết này, tôi phải chắc chắn rằng mình đã hoàn thành hết mọi việc trước khi về nhà, kể cả khi điều này có nghĩa là tôi sẽ về nhà muộn 20 phút. Chúng tôi thỏa thuận với nhau về một vài trò mà cả hai cha con đều thích. Điều này bao gồm cả trò vật nhau, miễn là chúng tôi đều đồng ý chơi đánh nhau chứ không phải là trò tấn công bất ngờ kiểu “Kato”.
Hướng dẫn kĩ năng xử lý các tình huống tác nhân
Tôi giải thích cho con trai rằng tôi sẽ chơi với cháu nếu cháu đề nghị lịch sự, sẵn sàng đợi tới khi tôi sẵn sàng. Khi về nhà, tôi sẽ nhắc cháu hỏi trước, sau đó đợi đến thời điểm thích hợp. Khi cháu chắc chắn rằng tôi sẽ chơi với cháu, khả năng chờ đợi của cháu đã tốt hơn.
Áp dụng các biện pháp thưởng – phạt
Phần thưởng tự nhiên cho việc hỏi và chờ đợi để được chơi cùng là tôi sẽ chơi với cháu. Mặt khác, nếu cháu lại tiếp tục trò tấn công bất ngờ, tôi sẽ để cháu chờ thêm 10 phút nữa rồi mới được chơi với tôi.
Tóm lại, chúng tôi đều thấy hài lòng hơn và mong đến giờ chơi cùng nhau. Một vài năm sau thời kỳ “Kato” này, tôi và con trai vẫn chơi cùng nhau ít nhất một trò chơi mỗi tối. Thật may cho cả hai, chúng tôi đã chuyển sang chơi những trò chơi như Uno, chơi cờ, ô chữ, và những hoạt động nhẹ nhàng hơn trước giờ đi ngủ.
Cẩm nang tóm tắt cho Vấn đề “Khi không ai muốn chơi cùng”. Thay đổi những tình huống gây ra vấn đề
Kích thích giác quan:
Rất nhiều trẻ muốn được quan tâm chú ý liên tục nói chung cũng đều có nhu cầu được kích thích. Các em nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và không phải lúc nào cũng biết cách tự làm mình vui. Do đó cốt yếu là những em này cần có những hoạt động để làm trong khi đợi người khác chơi cùng. Một vài ví dụ:
- Một hộp “những điều cần làm” gồm một vài hoạt động để lựa chọn
- Chơi vài trò chơi hay hoạt động khác, như đọc sách, chơi giải ô chữ, hoặc chơi điện tử để giúp trẻ quên đi thời gian chờ đợi
- Giúp đỡ cha mẹ một việc gì đó, như đi lấy hàng tạp phẩm, cùng nấu bữa tối, hoặc dọn bàn ăn
Thời điểm của tình huống:
Tạo ra những thời gian biểu vui chơi thường xuyên để trẻ không phải luôn miệng hỏi nữa. Ngoài ra, cha mẹ có thể sẽ muốn làm xong việc của mình trước khi lại chơi với con để có thể dành thời gian hoàn toàn cho con cái mình.
Độ khó của yêu cầu:
- Khi có thể, hãy giảm thời gian chờ đợi người khác chú ý tới.
- Khiến trẻ giúp đỡ những người mà các em muốn họ quan tâm tới mình. Ví dụ: trẻ có thể giúp bố mẹ hoàn thành việc nhà để cả nhà có thể chơi cùng nhau sớm hơn.
- Để con chơi thân với bạn: Ở trường học, chúng ta có thể tạo ra những chương trình kết bạn thân để các em hoc sinh luôn luôn có người chơi cùng. Việc này bao gồm hướng những người bạn tới trẻ bị cô lập và hướng dẫn các em hòa nhập với những em học sinh này. Bạn có thể tìm thấy ví dụ về chương trình định hướng các bạn cùng tuổi trong cuốn hướng dẫn kỹ năng xã hội của tôi (Baker, 2003 & 2005).
Hỗ trợ bằng hình ảnh:
Sử dụng thẻ giấy gợi ý hoặc danh sách kiểm tra để nhắc trẻ cách đề nghị người khác chơi cùng như thế nào và khi người khác có thể chơi cùng.
Dạy trẻ những kỹ năng giải quyết vấn đề
Dạy trẻ cách đề nghị và chờ đợi người khác chơi cùng. Đôi khi trẻ quên phải đề nghị người khác chơi cùng, mà thay vào đó lại có những hành động phản kháng để thu hút sự chú ý của người khác. Hãy nhắc lại với các em những bước sau đây để có thể đề nghị người khác chơi cùng mình:
1. Lựa chọn những người hay những bạn thích chơi cùng mình. Tránh những người hay nói không.
2. Đề nghị họ chơi cùng mình.
3. Nếu họ chưa rảnh, hãy hỏi khi nào họ có thể chơi.
4. Làm một việc khác trong khi chờ người khác có thể chơi với mình.
5. Chọn một việc mà cả hai cùng thích làm.
Áp dụng biện pháp thưởng – phạt
● Nên thưởng cho trẻ khi các em biết đề nghị người khác chơi cùng một cách lịch sự và kiên nhẫn chờ đợi. Phần thưởng cao nhất là việc dành thời gian để chơi với trẻ. Bạn có thể áp dụng cách tích điểm cho việc đề nghị lịch sự và chờ đợi. Trẻ có thể tích điểm trong một thời gian dài để đạt được những phần thưởng như đồ chơi mới, chơi trò chơi, hoặc được ưu tiên đặc biệt.
● Nếu trẻ cố thu hút sự chú ý bằng cách tiêu cực hoặc không chịu chờ đợi dù bạn đã nhắc nhở, hệ quả tự nhiên là trì hoãn thời gian chơi của trẻ. Ví dụ, khi bạn đã nói trẻ đợi nhưng em vẫn cố gây sự chú ý của bạn, bạn có thể kéo dài thời gian chờ để chơi của em.
Nguồn: tham khảo internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét