Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Dạy con im lặng hay đánh lại?

Khi thấy con bị bắt nạt, nhiều bậc phụ huynh dạy con: đánh lại, hoặc im lặng là vàng…
Thất vọng nhìn con trai yếu đuối
Hàng ngày nhìn Tít – 7 tuổi đi học về với những vết bầm trên vai, trên cổ, chị Hằng (Hàn Thuyên, Hà Nội) buồn, thất vọng lắm. Chị ước giá như Tít đanh đá hơn lên một chút thì có phải con sẽ không bị những trận bắt nạt vô cớ của các bạn như thế này không.
Chị tâm sự, Tít cao lớn, khỏe mạnh, mỗi tội hiền quá, lành quá. Trước đây, chị rất thích tính con hiền hòa như thế này nhưng sau khi con bị bắt nạt quá nhiều, chị đâm ra chán nản. Chị đưa con đi học võ những mong con biết tự vệ, mạnh mẽ hơn song chẳng ăn thua dù con có lên đai đều đặn, con vẫn bị bắt bạt, bạt tai từ những người bạn khác.
Girls Fighting over Stuffed Animal
Chị thắt ruột khi nghe con mách mẹ: “Bạn Tú cứ trêu con là con gái, con phải làm gì hả mẹ?”.
Chị bực mình bảo con: “Bạn nào đánh con, trêu con, bắt nạt con, con đánh lại cho mẹ, đánh thật đau vào”.
Thế nhưng tình hình không có gì tiến triển, có những lúc chị nghĩ: “Mặc kệ con, đứa trẻ nào cũng phải trải qua điều này, cứ coi như đó là những bài học vào đời cho con, biết đâu, qua chuyện này, con sẽ mạnh mẽ hơn”.
Con bị bắt nạt: dạy con im lặng hay đánh lại? 1
Khi con bị bắt nạt, dạy con đánh lại bạn là sai lầm (Ảnh minh họa)
Cùng cảnh ngộ là trường hợp bé Min 6 tuổi. Thời gian con mới nhập học lớp 1, chị Hường Lâm (An Dương, Hà Nội) mừng lắm vì con học hành chăm ngoan, chủ động học, và tỏ ra rất thích đi học gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng sau một thời gian, chị thấy bé thay đổi rất nhiều: bé không muốn đến lớp, tự ti khi tiếp xúc với mọi người; trước những giờ đến lớp, bé bỗng dưng bị đau bụng, đau đầu nhiều hơn.
Và khi chị thấy những vết bầm tím trên tay con, chị xót xa hiểu dần ra vấn đề. Chị tâm sự: “Trước nó hồn nhiên, vô tư lắm nhưng giờ bé rất hay giận dữ, ủ rũ. Hỏi tại sao thì con chỉ khóc lóc”.
Tuy nhiên, khác với nhiều chị em khác là mặc kệ, chị Lâm quyết định tìm hiểu và dạy con cách đối phó. Cách làm của chị rất đơn giản, ngoài những giờ học của con, chị cùng con xem những bộ phim hoạt hình có những nhân vật dũng cảm chiến đấu với quái vật.
Sau mỗi bộ phim, chị lại ngồi phân tích cùng con: “Chàng hoàng tử đó thật dũng cảm phải không con, con hãy đừng khóc, đừng đứng một chỗ chịu trận. Con hãy nói rõ quan điểm của mình với người bạn đó là: tớ không đùa đâu nhé, nếu đùa một lần nữa tớ sẽ mách cô, mách bố mẹ cậu”.
Chị cũng nhận thấy là do chị cũng bao bọc bé từ nhỏ, từ đó, cuối tuần vợ chồng chị thường xuyên cho bé đi chơi đến công viên, chỗ có đông trẻ nhỏ.
Quả nhiên, sau một thời gian, con mạnh mẽ hơn, ít bị bắt nạt hơn và vui vẻ hơn khi đến lớp.
Dạy con cách đối phó khôn ngoan
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Hồng Hà cho rằng, cha mẹ cần hiểu và cùng con giải quyết vấn đề này. Bậc phụ huynh không nên quá lo lắng bởi hiện tượng này không phải là hiếm, đặc biệt khi con bắt đầu một môi trường mới, vì thế cha mẹ cần sát sao để ý đến những biểu hiện của con: bỗng nhiên sợ đi học, trẻ hay viện cớ đau bụng, đau đầu để trốn tránh việc tới trường, tâm trạng bất an, chấn thương ở người.
Tuy không hiếm song nếu không quan tâm, giúp đỡ tinh thần kịp thời, con sẽ hình thành nên tính cách tự ti, sợ hãi khi đến trường lớp, thu mình với những mối quan hệ mới, ảnh hưởng tới kết quả học tập và tương lai của con.
Khi thấy con bị bắt nạt, nhiều cha mẹ nghĩ ngay tới chuyện chuyển trường, chuyển lớp cho con, tuy nhiên đây không phải là một cách làm hoàn hảo, mà cách tốt nhất nên làm là cha mẹ nên dạy con đối mặt với vấn đề này, cho trẻ lên tiếng, khuyến khích con nói về điều này và dũng cảm đối diện với nó.
Cha mẹ hãy lắng nghe để hiểu con và cho con thấy mình là một chỗ dựa vững chắc để con tin tưởng, tâm sự. Bậc phụ huynh hãy trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô để họ để ý kịp thời tới con mình. Bạn có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt bé nhà mình để hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp.
Không chỉ hai trường hợp trên mà rất nhiều phụ huynh cũng gọi điện xin tư vấn đề hiện tượng con mình bị bắt nạt, chuyên gia chia sẻ, có những phụ huynh dạy con đối phó rất sai lầm như: nên im lặng, chịu đựng, một điều nhịn là chín điều lành, quả nhiên, đứa trẻ đó ngày càng sợ hãi, thu mình, lầm lỳ, ít nói. Có nhiều phụ huynh còn dạy con đánh trả lại, đó cũng không phải là điều hay, chẳng khác gì bố mẹ gieo vào đầu con trẻ quan niệm dùng vũ lực để giải quyết.
Đứng trước tình huống này, cha mẹ nên khuyên con bình tĩnh, cương quyết “dằn mặt” trẻ bắt nạt mình bằng chiêu: nhìn thẳng vào họ và dõng dạc nói “không được trêu tớ nữa”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, con nên chủ động thông báo cho thầy cô giáo, bố mẹ biết tình trạng của mình.
Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp vì xấu hổ nên trẻ thường không nói rõ với cha mẹ, thầy cô vì thế gia đình và nhà trường cần chú ý để tâm tới sự khác lạ ở trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe và chủ động hỏi han con, việc lắng nghe và động viên hỏi thăm con không chỉ có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt nạt mà còn có lợi trong mọi vấn đề mà con gặp phải. Điều này cũng giúp trẻ biết được cha mẹ luôn ở bên cạnh, luôn lắng nghe và hiểu con.
Trang bị cho con những cách đối phó với việc này: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, cho con học võ. Dạy con đi đâu cũng nên đi đông, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn và tuyệt đối không đáp trả bạn bằng vũ lực.
Theo Giadinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét