Mike là một cậu bé thông minh mười một tuổi. Mặc dù cậu học rất giỏi, nhưng lại không xuất sắc trong các môn thể dục và cậu né tránh hầu hết các hoạt động thể chất và đang trở nên thừa cân. Ngoài ra, khi nói chuyện với các bạn, cậu còn thường xuyên thao thao nói về đam mê của mình, những bộ phim cũ. Cậu thường tiếp tục kể nội dung các phim trong khi các bạn cậu không còn hứng thú nghe nữa.
Mike không thực sự có một người bạn đích thực ở trường và thường ngồi một mình vào bữa trưa. Giống như nhiều nam sinh khác ở trung học cơ sở không giỏi môn thể dục và cũng không có sở thích giống các bạn, Mike bị trêu trọc. Trung học cơ sở là thời gian mà học sinh chuyển tiếp từ giai đoạn phụ thuộc vào cha mẹ sang phụ thuộc nhiều vào nhóm bạn chơi. Trong nỗ lực để thuộc về một nhóm nào đó, trẻ cố gắng rất nhiều để được giống nhau và nhiễm nhiều sở thích và giá trị của nhau, chối bỏ những em khác một cách cay nghiệt. Rõ ràng Mike rất khác biệt và thật không may mắn, cậu đã trở thành người giơ đầu chịu báng trước một số các bạn của mình. Nhiều cậu bé chế nhạo cậu một cách không thương tiếc, gọi cậu là mọt sách, gay và “kẻ cuồng phim”, chúng huých vào cậu ở hành lang và từ chối làm việc với cậu trên lớp.
Mặc dù việc bị trêu trọc không còn là lạ với Mike, nhưng sự tình ngày càng tệ hơn khi cậu vào trung học cơ sở. Cậu bắt đầu từ chối không đến trường, tạo ra những cuộc so găng ở nhà dẫn tới bùng nổ tâm lýở cả cha mẹ cậu và chính cậu.
Khi cha mẹ cậu yêu cầu nhà trường giải quyết vấn đề cậu bị trêu trọc, ban quản lí đã phản ứng bằng cách gợi ý cho Mike được tư vấn để giúp cậu có khả năng xử lí các tình huống gây stress này. Tuy nhiên, mặc dù tư vấn có thể giúp cậu xử lí tốt hơn khi bị trêu trọc, nhưng cũng không giúp cậu khỏi bị trêu trọc.
Trên thực tế, Mike đã gặp một cán bộ tư vấn ở trường một vài lần. Họ đã bàn bạc cách cậu có thể đáp lại khi bị trêu, nhưng cậu than phiền rằng không có cách nào có kết quả. Các bạn vẫn tiếp tục trêu cậu. Theo cách nhìn nhận của tôi, cách tiếp cận của nhà trường tỏ ra thiển cận. Mike không có trách nhiệm ngăn chặn bị trêu. Đó là việc của cán bộ giáo viên trong trường, những người từ trước đến nay đã chưa bảo vệ cậu. Trách nhiệm của Mike chỉ là có khả năng báo cáo khi bị bắt nạt và tự rèn luyện sao cho những sự việc đó không còn làm cậu tổn thương được nữa.
Thay đổi tình huống (nguyên nhân) gây ra vấn đề
Cách quan trọng nhất để giải quyết vấn đề của Mike là cố gắng ngăn chặn sự trêu trọc của bạn bè. Tôi đã hỗ trợ cha mẹ cậu trong nỗ lực yêu cầu nhà trường làm hai việc:
● Cảnh cáo và giám sát những học sinh bắt nạt bạn
● Xây dựng chương trình “phụ trách nhóm” để xung quanh Mike luôn có những học sinh sẵn sàng đứng lên bảo vệ cậu và những bạn khác, và cho cậu giao tiếp nhiều hơn vào giờ ăn trưa và những giờ không lên lớp khác.
Nhờ thúc giục từ phía chúng tôi, cán bộ trong trường đã nói chuyện với những học sinh chuyên bắt nạt bạn để các em này biết rằng mình đang bị giám sát do những học sinh khác đã báo cáo về việc bị bắt nạt. Tên của Mike không được nhắc tới. Để Mike và những học sinh khác có cảm giác an toàn khi báo cáo việc bị bắt nạt. Những em chuyên đi bắt nạt được cảnh cáo sẽ bị ở lại trường sau giờ học nếu còn tái diễn. Quan trọng hơn, được sự đồng ý của cha mẹ các em, các em được một cố vấn trường học dành vài giờ để hướng dẫn kiến thức về quản lý xung đột và sự thông cảm. Những bài học này nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng khoan dung và khả năng hiểu cảm giác của người khác.
Với sự trợ giúp từ các cố vấn trường học, chúng tôi chọn ra những “anh chị phụ trách” tiềm năng, những học sinh được yêu cầu hỗ trợ trong giao tiếp cho những học sinh thường bị cô lập trong giờ ăn trưa và những giờ không lên lớp khác. Đơn được gửi về xin sự đồng ý của cha mẹ các em. Rồi sau đó trong giờ ăn trưa, các em sẽ được đào tạo để trở thành “anh chị phụ trách”. Các em được yêu cầu tham gia vào “nhóm ăn trưa” tuần một buổi tại trung tâm đào tạo, nơi các em có thể giao lưu với các bạn “nhút nhát hoặc cần giúp đỡ để có thêm bạn”. Tương tự, các em cũng được yêu cầu đứng lên bảo vệ cho những bạn cô lập trong thời gian ở trường bằng cách ngăn chặn những bạn hay đi bắt nạt, hoặc chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ giáo viên nếu các em trông thấy bất kỳ hành vi bắt nạt nào (xem Baker 2003&2006, trong đó tôi nói kỹ hơn về việc thiết lập các chương trình nhóm bạn).
Những giờ tư vấn cá nhân cũng sẽ tiếp tục để Mike có được cơ hội thường xuyên báo cáo về bất kỳ vấn đề bắt nạt nào và tiếp tục nỗ lực tìm cách xử lý khi bị trêu trọc. Thêm vào đó, cố vấn trường học cũng giúp Mike nhận thức rõ hơn về phong cách nói chuyện của mình để cậu không còn nói nhiều quá về phim ảnh với những người không thích chủ đề này.
Hướng dẫn kĩ năng xử lý các tình huống tác nhân
Trong các giờ tư vấn cá nhân, Mike và cố vấn của mình tìm cách xử lý khi bị trêu trọc. Cậu đã được dạy những bước sau:
1. Hỏi xem đối phương đang nói nghiêm túc hay chỉ đùa.
2. Coi như người trêu em là người có vấn đề, không phải em.
3. Bình tĩnh yêu cầu người đó dừng lại
4. Nếu người đó tiếp tục, hãy bỏ đi chỗ khác
5. Nếu người đó vẫn trêu trọc hay dọa nạt, hãy báo cho người lớn.
Hai bước đầu giúp Mike bảo vệ lòng tự trọng của mình. Cậu khám phá ra rằng khi người khác trêu trọc cậu, điều đó không có nghĩa rằng có gì “tồi tệ” về phía mình. Đôi khi người trêu trọc cậu chỉ muốn vui vẻ (ví dụ, khi những nhận xét của họ không nhắc đến những vấn đề nhạy cảm và họ chỉ muốn Mike cười). Có những lúc, người trêu cậu cố ý làm tổn thương những học sinh bé hơn do hậu quả từ chính vấn đề của họ. Cậu đã biết rằng những trẻ hay đi bắt nạt thường cảm thấy nhỏ bé trong cuộc sống nên cố gắng dùng cách trêu trọc để chứng tỏ sức mạnh của mình với người khác.
Sau đó, Mike luyện tập để giữ được bình tĩnh khi phản ứng lại những lời trêu trọc để khiến những người muốn cậu khổ sở phải thất vọng. Quan trọng nhất là cậu đã được dạy về tầm quan trọng của việc báo cho người lớn như một bước thiết yếu giúp ngăn chặn việc bắt nạt. Ban đầu cũng miễn cưỡng “mách lẻo”, dần dần Mike cũng đã phân biệt được giữa trêu đùa cho vui và những lời châm chọc có chủ ý, và sự cần thiết phải báo cáo cái thứ hai.
Áp dụng chế độ thưởng phạt
Phần thưởng duy nhất ở đây là kết quả tự nhiên của quá trình can thiệp: đó là việc trêu trọc hầu như đã hết, chứ không phải những lời nhận xét trêu đùa mà thỉnh thoảng vẫn có.
Mike và cha mẹ cậu cho biết đã có một sự thay đổi tích cực đáng kể trong thái độ của cậu đối với trường học. Giờ đây cậu háo hức tới trường với các bạn. Cậu tham gia nhóm ăn trưa cùng với những học sinh khác trước đây cũng tách mình khỏi tập thể , và được các anh chị phụ trách bảo vệ. Các anh chị phụ trách cho Mike một môi trường thân thiện, bảo vệ cậu khỏi bị bắt nạt trong và ngoài nhóm, nhưng không thực sự trở thành bạn “đúng nghĩa” sau giờ tan trường. Tuy nhiên, một số trong các em trước đây sống tách biệt và cùng tham gia nhóm ăn trưa nhận thấy các em có nhiều sở thích chung với Mike. Do đó, Mike trở thành bạn thân với một bạn trong số đó kể cả sau khi tan trường.
Bằng cách bảo vệ Mike khỏi bị bắt nạt và tạo cơ hội cho tình bạn, trải nghiệm ở trường của cậu bé tiến bộ đến bất ngờ. Cha mẹ cậu cảm thấy thực sự cậu đã trở thành một cậu bé hạnh phúc hơn nhiều.
Nguồn: tham khảo internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét