Dọa ma trẻ nhỏ, làm hộ con hay “đổi chác” mỗi thìa cơm của bé bằng một phần thưởng khi ăn xong…là những cách dạy ‘sai bét’.
Ai cũng mong muốn con cái mình lớn lên sẽ ngoan ngoãn và biết vâng lời cha mẹ. Đa phần các ông bố, bà mẹ bây giờ vẫn đang dạy con theo bản năng và theo những gì bản thân cho là “tốt cho con”. Tuy nhiên, có đôi khi, cách dạy của cha mẹ vô tình lại khiến trẻ trở nên hư, kém tự lập và nhút nhát.
Năn nỉ, nịnh nọt, đổi chác với con
Nhiều chị em nghĩ rằng không có cách gì hiệu quả hơn việc năn nỉ con “ăn nốt miếng cơm này rồi mẹ cho đi chơi” hay tìm cạch dỗ bé đi ngủ, đi học bằng cách “đổi chác” cho con những phần thưởng hấp dẫn sau đó. Cách làm này ban đầu có thể hấp dẫn con, tuy nhiên theo thời gian, khi bé đã chán những món quà của mẹ, phần thưởng để đổi chắc sẽ ngày càng tăng cao. Mặt khác trẻ sẽ có tâm lý việc ăn cơm, việc đi ngủ, việc đi học là những việc buồn chán, không hấp dẫn nên mới cần phải năn nỉ, đổi chác để thực hiện.
Bao bọc con quá kỹ
Để trẻ được an toàn tuyệt đối, nhất là trong xã hội nhiều nguy hiểm ngày nay, nhiều gia đình chủ trương không cho con ra khỏi nhà nếu không có người lớn đi cùng, cũng không để bé được độc lập, tự thực hiện một mong muốn hay nhiệm vụ nào đó một mình ngoài xã hội như đi mua rau cho mẹ hay đi chơi đá bóng với hàng xóm…Nhiều người không dám để con đi xe đạp, khi ngủ phải ngủ chung, ra khỏi cửa phải có cha mẹ…Một đứa trẻ như vậy sẽ trở nên nhút nhát và không đủ năng lực sống, mất tự tin, đồng thời nảy sinh tâm lý phụ thuộc cha mẹ. Đó là giải thích cho hiện tượng ngày nay, rất nhiều cô bé cậu bé ở nhà thì hay la hét, khóc lóc, “ăn vạ” cha mẹ nhưng khi đến trường thì lại nhút nhát, rụt rè như một chú chuột nhắt.
Làm hộ con
Rất nhiều bà mẹ khi được đặt câu hỏi “đã dạy con rửa bát/ giặt đồ/ nấu cơm…chưa?” đều trả lời rằng trẻ còn nhỏ, chưa đến lúc cần dạy. Vậy là từ việc nhỏ như xúc cơm, mặc quần áo cho đến việc lớn như rửa bát quét nhà các bà mẹ đều làm thay cho con với lý do “cho nhanh”. Có rất nhiều em bé đã học lớp 5 vẫn không phải làm bất cứ một công việc nhà nào, cũng không biết làm thế nào để giúp đỡ cha mẹ. Đây không phải trường hợp “hiếm có khó tìm”, mà là tình trạng chung của nhiều gia đình hiện đại.
Sợ con khóc
Nước mắt và những cơn gào khóc dường như là “vũ khí tối thượng” của trẻ nhỏ. Khi không hài lòng bất cứ điều gì hay có mong muốn gì không được đáp ứng, nhiều em bé, kể cả những em bé đã học cấp 1, vẫn cố tình khóc lóc, “ăn vạ” bố mẹ. Nhiều phụ huynh cho biết họ rất sợ con khóc, sợ đến mức mỗi khi nghe tiếng bé khóc là phải “đầu hàng”. Tuy nhiên chũng ta cần biết, tiếng khóc tác động đến người nghe nhiều hơn là người khóc và chắc chắn một điều, những cô bé, cậu bé chuyên dùng tiếng khóc để vòi vĩnh, “ăn vạ” đều không “đau khổ” đúng như những gì các con cảm thấy. Cha mẹ cần dạy cho con biết rằng khóc lóc “ăn vạ” là không hiệu quả trong việc đòi hỏi một điều gì đó, trái lại, đáp ứng con mỗi khi bé khóc sẽ càng gieo vào tâm hồn con thói ích kỷ, ương bướng
Tập trung quá nhiều sự chú ý vào một đứa trẻ
Người lớn, nhất là ở những gia đình chỉ có một con, một cháu thường có thói quen coi đứa trẻ là trên hết. Tất cả mọi người đều tập trung chăm sóc, chiều chuộng. Họ hàng và bạn bè, người thân cũng sẽ liên tục khen ngợi, cho những tràng pháo tay cổ vũ mỗi khi bé đạt được một thành tích gì đó. Việc một đứa trẻ nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ” sẽ khiến con trở nên tự tin thái quá, hay nhõng nhẽo và đòi hỏi. Một số khác lại chịu áp lực lớn, dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm. Chính vì vậy, dù gia đình chỉ có một đứa trẻ, mọi thành viên trong nhà cũng đừng nên tập trung quá nhiều sự chú ý vào bé. Hãy để cho con có không gian riêng, được thoải mái và bé sẽ tự tìm đến ba mẹ, ông bà khi cần.
Dọa ma trẻ nhỏ
Cha mẹ Việt hay có thói quen lấy “ma, ông ba bị…” ra hù dọa trẻ nhỏ. Mỗi gia đình có một cách hù dọa con khác nhau, người thì lấy những con vật gớm ghiếc như hổ, rắn, chuột, gián…người lại lấy những “nhân vật” không có thật như ma, quỉ, phù thủy, ông ba bị…để trẻ sợ và ngăn cấm bé không thực hiện một hành động sai trái nào đó hoặc nghe theo lời của cha mẹ. Tuy nhiên, chúng ta không lường hết được những ảnh hưởng nghiêm trọng của lời đọa dẫm này đến đời sống tinh thần của bé. Nhiều đứa trẻ hay bị cha mẹ dọa sẽ mang theo nỗi sợ hãi, ám ảnh in sâu trong tâm hồn, nhân lên gấp bội cùng trí tưởng tưởng và dẫn đến sự nhút nhát, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn cho trẻ.
Theo Khám phá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét