(VOH) - Nghiên cứu khoa học cho thấy, chiều cao của con người chỉ có 60% phụ thuộc vào gen và 40% còn lại tập thể dục, chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
Thống kê mới nhất về chiều cao của người dân các quốc gia trên thế giới, chiều cao trung bình của đàn ông Hàn Quốc là 173,3 cm, Nhật Bản 170,7 cm và Việt Nam 1,64 cm. So với các nước lân cận, chiều cao người Việt Nam có khoảng cách khá xa. Mặc dù Hàn Quốc, Nhật Bản đều không phải là những nước mà người dân có chiều cao lý tưởng tuy nhiên họ đều có phương pháp cải thiện chiều cao cho thế hệ sau.
Cải thiện chiều cao cho trẻ là việc cha mẹ cần lưu ý. Ảnh minh họa: internet
Cơ hội tăng chiều cao của người Việt Nam
Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố di truyền và không di truyền. Yếu tố di truyền thường liên quan đến chiều cao của bố mẹ và điều này thật sự vẫn là bí ẩn đối với người Việt Nam. Trong khoảng thời gian rất dài (hàng ngàn năm), người Việt Nam luôn nằm trong tình trạng suy dinh dưỡng ở các thế hệ nối tiếp nhau. Chính vì vậy, bộ gen về chiều cao của chúng ta có thể phát triển tối đa như thế nào thì các nhà khoa học vẫn chưa xác định được.
Với Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây, khi còn trong tình trạng suy dinh dưỡng, chiều cao của họ rất thấp nhưng sau khi cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc của họ “vọt” lên không thua gì các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ rằng, di truyền của Việt Nam có thể tương đương như Hàn Quốc và Nhật Bản - những nước mà hiện nay có chiều cao trung bình tương đương các nước phát triển.
Ngoài yếu tố di tuyền, những yếu tố khác liên quan đến sự phát triển chiều cao như: dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vận động thể lực, không bị thừa cân béo phì, không tiếp xúc với các yếu tố bất lợi trong môi trường, đặc biệt là các chất phụ gia trong ngành nhựa để chế biến các loại nhựa gia dụng trong ngành điện và cuối cùng là điều kiện môi trường (vì bệnh lý là một yếu tố ngăn chặn sự phát triển chiều cao).
Ngủ sớm và đủ giấc cũng giúp trẻ cao hơn. Ảnh minh họa
Tuổi dậy thì - thời điểm “vàng” tăng chiều cao
Chiều cao của trẻ chỉ phát triển trong giai đoạn nhất định (từ lúc trẻ sinh ra cho đến tuổi dậy thì), khi hết dậy thì, trẻ sẽ chấm dứt phát triển chiều cao. Nếu trẻ dậy thì càng sớm thì sự phát triển chiều cao chấm dứt sớm. Khi đến 15 tuổi, chiều cao của trẻ sẽ phát triển chậm lại và từ thời gian này cho đến lúc 25 tuổi, chiều cao chỉ có thể phát triển thêm từ 1 - 2 cm. Vì thế, giai đoạn dậy thì của trẻ là giai đoạn quan trọng cần lưu ý và sớm xác định để thúc chiều cao nhanh nhất.
Ngủ sớm và thức sớm tập thể dục – “thuốc” tăng chiều cao
Ở Hàn Quốc, các chuyên gia khuyên các bà mẹ cần cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ để thúc đẩy tăng trưởng chiều cao. Vì sao ngủ sớm giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tốt?
Giấc ngủ chiếm từ 14% đến 20% chiều cao trưởng thành của một người. Khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra nội tiết tố tăng trưởng chiều cao (growth hormone) - đây là hormone quan trọng trong việc đưa canxi vào xương, kéo dài xương và giúp tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Nếu trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc, nội tiết tố này sẽ tiết ra đầy đủ trong suốt giấc ngủ và trẻ sẽ dài ra đến mức tối đa. Nếu ngủ trễ, thời gian nội tiết tố tiết ra và tác động lên xương ngắn hơn, do đó, trẻ sẽ bị mất chiều cao.
Theo cơ chế sinh lý, từ khoảng 24 giờ đêm đến 4 giờ sáng là thời điểm mà nội tiết tố tăng trưởng chiều cao tiết ra nhiều nhất. Trong ngày, hormone tăng trưởng có 2 khoảng thời gian tiết ra nhiều nhất (đạt đỉnh): buổi sáng và đầu giấc ngủ. Do đó, nếu trẻ ngủ đủ giấc và buổi sáng thức dậy sớm, tập thể dục ngay lúc nội tiết tố tăng trưởng tiết ra, sẽ tốt hơn cho chiều cao của trẻ. Đối với trẻ ngủ trễ, trẻ sẽ bị mất đi giai đoạn nội tiết tố tiết ra vào đầu giấc ngủ và khi dậy trễ, lại tiếp tục mất đi giai đoạn nội tiết tố tăng trưởng tiết ra, khi đó trẻ sẽ bỏ qua giai đoạn tốt nhất giúp phát triển chiều cao.
Nếu trẻ phát triển chiều cao chưa tốt trong quá trình nuôi dưỡng, thì chế độ dinh dưỡng, vận động như thế nào để hạn chế tình trạng trẻ thấp lùn?
Trẻ dưới 2 tuổi
*Lúc mới sinh, bé nặng 3,8 kg và dài 50 cm. Đến nay, đã 19 tháng, bé chỉ dài 75 cm, bé cần được bổ sung gì trong khẩu phần ăn mỗi ngày?
Trẻ em Việt Nam, khi sinh ra có chiều dài và cân nặng không thua bất kỳ trẻ ở các nước khác như Mỹ hay Hàn Quốc... nhưng khi trẻ được 2 tuổi thì trẻ thường bị thấp hơn, đây là tình trạng chung của trẻ ở nước ta. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp.
Với trường hợp trẻ ở trên, gia đình cần xem lại chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong số các thực phẩm giúp tăng trưởng chiều cao giai đoạn dưới 2 tuổi, thực phẩm quan trọng và không thể thiếu chính là sữa. Nếu trẻ bị mất sữa trong khoảng thời gian nào đó ở giai đoạn này thì chắc chắc trẻ sẽ không phát triển đủ chiều cao.
Với bé 19 tháng, chiều cao tối thiểu là 80 cm, tuy nhiên, hiện bé chỉ đạt 75cm, là thiếu khoảng 5 cm trong giai đoạn này, do đó, chúng ta sẽ còn rất ngắn thời gian để phục hồi chiều cao cho bé. Vì sau 2 tuổi, nội tiết tố sẽ thay đổi nên bé sẽ phát triển chậm hơn so với giai đoạn trước 2 tuổi, vậy nên trong khoảng thời gian còn lại (khoảng 4 - 5 tháng) trước khi trẻ được 2 tuổi, chúng ta phải thúc chiều cao cho bé để phục hồi một phần. Nếu để việc thất thoát chiều cao này kéo dài khi bé quá 2 tuổi thì hầu như không thể phục hồi được chiều cao đã mất đi.
Với một trẻ khi sinh ra với cân nặng và chiều cao như trên thì ước lượng khi trưởng thành, trẻ có thể đạt chiều cao từ 170 cm đến 175 cm, nhưng với tăng trưởng chiều cao như hiện tại thì bé này khi trưởng thành sẽ có chiều cao tối đa chỉ vào khoảng 160 cm (Chiều cao lúc 2 tuổi X 2 = Chiều cao lúc trưởng thành). Do đó, bé phải được thúc tối đa về chiều cao từ nay cho đến 24 tháng bằng cách gia tăng lượng sữa tối đa trong ngày vì trong sữa có đầy đủ các chất giúp phát triển chiều cao như canxi, đạm, vitamin D và các vitamin khác,...
Trẻ giai đoạn này (cân nặng khoảng 10kg) cần khoảng 1,2 lít nước/ngày. Chúng ta sẽ thay thế toàn bộ nhu cầu này bằng các loại sữa mà trẻ thích, hạn chế dùng sữa cho năng lượng vì sẽ làm cho trẻ biếng ăn và không uống đủ lượng sữa cần thiết. Lưu ý thêm, trẻ vào tuổi này phải ăn 4 bữa/ngày, chủ yếu là chất bột đường (cơm hoặc cháo) vì các chất khác đã có đầy đủ trong sữa. Một chén cơm/cháo đầy chỉ cần 1 muỗng cà phê thịt/cá, 2 muỗng cà phê dầu và rau.
Ưu tiên phát triển chiều cao cho trẻ trong giai đoạn này, cân nặng của bé để tính sau.
Sữa và các sản phẩm làm từ sữa giúp trẻ phát triển chiều cao. Ảnh minh họa
*Trẻ sinh đủ tháng với trọng lượng 2,7 kg. Hiện, trẻ gần 9 tháng, ăn 2 bữa/ngày và uống từ 700ml đến 800ml sữa, tuy nhiên, trẻ chỉ dài 67,5 cm và nặng 7,5 kg. Cần điều chỉnh dinh dưỡng cho trẻ như thế nào để phát triển thể chất tối đa?
Với trường hợp này, có thể đoán là lúc sinh ra, bé có chiều dài dưới 50cm. Điều này thường do 2 nguyên nhân: dinh dưỡng trong bào thai không tốt hoặc do di truyền. Thông thường, chúng ta dựa vào chiều dài của trẻ lúc mới sinh để ước lượng di truyền chiều cao của bé. Do đó, đây là sự khởi đầu không được thuận lợi cho sự phát triển chiều cao của bé. Bé thiếu từ 3,5cm đến 4cm chiều cao trung bình, ngoài ra, bé còn thiếu cả cân nặng, do vậy việc điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng hàng ngày là vô cùng cần thiết.
Cần tăng lượng sữa cung cấp cho bé lên 900ml - 1.000ml (tăng thêm 200ml so với hiện tại), không cho bé uống các loại nước khác (kể cả nước). Điều chỉnh khẩu phần của bé theo công thức: 150ml cháo đặc, 1 muỗng lớn (tương đương 10ml) thịt/cá, 1 muỗng rau và 1 muỗng dầu.
Trường hợp với khẩu phần như trên, bé vẫn chưa tăng ký thì tăng lượng dầu lên thành 1,5 muỗng, đồng thời tăng thêm 1 bữa ăn nữa thành 3 bữa/ngày đủ năng lượng cho bé mỗi ngày.
Song song đó, cần cho bé đi khám tại các trung tâm dinh dưỡng để các bác sĩ theo dõi các chỉ số tiêu hao năng lượng để có chế độ dinh dưỡng thích hợp hơn.
Kinh nghiệm ở Nhật Bản và Hàn Quốc, toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến trung học đều được uống 1 ly sữa tươi mỗi ngày. Tùy vào độ tuổi mà lượng sữa sẽ khác nhau, dao động từ 400ml đến 500ml. Các trẻ này dù đã đảm bảo đủ lượng sữa ở nhà, nhưng để phát triển chiều cao tốt nhất cho trẻ, các trường học đã chủ động bổ sung thêm sữa. Điều này lại càng khẳng định: sữa có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc phát triển chiều cao của trẻ.
Trẻ em trong độ tuổi dậy thì
Nên cho trẻ chơi các môn thể thao giúp kéo dài cột sống. Ảnh minh họa
*Còn với độ tuổi 12 và 17 của bé trai, cần dùng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể lực thế nào để tăng trưởng chiều cao tốt nhất ?
Với độ tuổi 17, khi đã chấm dứt tuổi dậy thì không thể can thiệp vào chiều cao được nữa vì các nội tiết tố đã ổn định. Tất cả việc tập luyện và chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng đến chiều cao vì đã qua hết giai đoạn phát triển chiều cao sinh lý. Từ 17 đến 25 tuổi, chỉ có thể tăng thêm từ 1 cm đến 2 cm, trai thì có thể sẽ tăng được nhiều hơn một chút so với gái với điều kiện phải gia tăng vận động thể dục thể thao các môn giúp kéo dài cột sống như: nhảy cao, nhảy xa,... không tập luyện cử tạ, thể hình, các môn võ thuật nặng. Đồng thời, cần uống thêm từ 500 ml - 600ml sữa/ngày và giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn (200gr thực phẩm giàu đạm hoặc không quá 60gr-80gr thịt, cá) vì chất đạm sẽ làm thất thoát lượng canxi qua đường nước tiểu và ức chế hấp thu canxi.
Với bé 12 tuổi, bé khả năng còn cao trong vài năm nữa. Hiện tại, bé đang ở giai đoạn cao nhanh nhất ở tuổi dậy thì. Do đó, lượng sữa cần thiết trong ngày từ 1,5 - 2 lít và không cần phải uống bất kỳ loại thuốc bổ nào vì tất cả các chất cần thiết đã có trong sữa. Nếu bé bị thừa cân béo phì, tốt nhất là uống sữa không béo, không đường. Giảm khẩu phần ăn, tăng lượng sữa, không ăn quá 200gr thực phẩm giàu đạm và tập các môn thể thao giúp kéo dài cột sống.
Tư vấn: Bác sĩ - Thạc sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét