Con học dốt: vấn đề là do cách nghĩ của bố mẹ
Chớ nên:
Mắng nhiếc, chê bai con
Bạn còn nhớ cảm giác vui vẻ thời thơ ấu mỗi khi được cha mẹ khen con ngoan, con làm tốt lắm? Chắc hẳn lúc đó trong bạn là một cảm giác tật sung sướng và có khi lâng lâng cả ngày, rồi bỗng dưng những suy nghĩ trong đầu như được thăng hoa. Vậy cớ chi bây giờ chúng ta chỉ biết chê con cái mình, cứ nhằm nhằm vào điểm số của chúng để mắng nhiếc.
Theo PGS, Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, khi bị điểm kém, chính bản thân trẻ đã phải đối diện với nỗi buồn, sự tự dằn vặt. Vì vậy, điều cần cho trẻ tiếp theo là một sự đồng cảm, chia sẻ và một sự đúc kết kinh nghiệm để tiến bộ chứ không phải sự trách mắng. Thử nghĩ nếu một đứa trẻ ở lớp đã ê chề, xấu hổ vì học kém bạn bè, khi về nhà lại gặp phải lời nhiếc móc chê bai của cha mẹ, thì chúng con chỗ nào vui để trú ngụ? Với một không khí như thế, trẻ sống sao nổi?
Bởi vậy, hãy ghi nhận và khen ngợi kịp thời những ưu điểm khác của con: Ví như khen rằng con đã thực sự biết nỗ lực, khen chuyện con luôn biết giúp đỡ anh chị em trong gia đình, giúp mẹ làm bếp… Từ đó bạn và con sẽ cùng thoải mái, nên sẽ “thông minh” hơn khi muốn tìm ra cách giải quyết việc con học kém.
Tỏ ra thất vọng tràn trề
Với những người đặt quá nhiều kỳ vọng về sự thông minh, tài ba của con thì khi biết con có thành tích kém, họ càng dễ rơi vào thất vọng. Có người vì nhìn thấy điểm 3 trên tờ kiểm tra của con mà mặt chảy dài đến cả tuần, vào bữa cơm thì “chống đũa, không ăn được”. Thái độ này rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân bạn rồi sau đó là đến con cái và không khí gia đình.
Sự thất vọng của cha mẹ có thể khiến con mặc cảm, thấy có lỗi sinh chán nản, tự trách bản thân. Chúng có thể nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu thương khi chúng không đạt được ước vọng của cha mẹ. Hệ lụy là không ít em chán sống và sợ hãi khi phải về nhà. Hãy sáng suốt nhé, đừng chỉ vì điểm số ở trường mà bạn để mất đi đứa con của mình.
So sánh con với bạn A, bạn B
“Sao con không nhìn bạn A ngồi cùng bàn với con, nhà nó khó khăn mà còn học giỏi thế”, “Con hãy xem bạn B kìa, lần nào bạn ấy cũng được tuyên dương ở lớp, con không xấu hổ à”… Khi phát ra những lời so sánh ấy, nhiều phụ huynh đặt hy vọng rằng con sẽ thấy xấu hổ và cố gắng phát huy. Nhưng chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh, Cốm Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội nhấn mạnh: So sánh con với bạn khác là điều tối kỵ. Sự so sánh khiến trẻ cảm thấy nhục nhã, không được tôn trọng nên sinh ra chán nản, tự ti. Vì thế có thể con bạn chẳng học được điểm hay ho của đứa bạn kia mà còn tức tối, không muốn giao lưu gì.
Cuống cuồng lo lắng
Vì mong muốn giải quyết vấn đề tồi tệ này ngay lập tức, nên có người đi đâu cũng hỏi han đến chuyện học tập, gặp một đứa trẻ có thành tích học giỏi là vồ vập hỏi “Cháu có cách nào để học nhanh và tốt thế, mách cho con cô nhé”, “con tới đây mà học cách của bạn ấy này”. Thậm chí có những lúc cả gia đình đi chơi, bạn cũng không bỏ đầu óc khỏi chuyện nghĩ làm thế nào để khắc phục điểm số cho con…
Không thể phủ nhận những lo lắng của bạn chì vì quá sốt sắng, quá mong mỏi điều tốt đẹp cho con. Nhưng con bạn cũng cần một chút thời gian thoát ra khỏi việc học. Chúng cần những lúc tạm quên đi việc mà chúng đã làm không tốt, để chạy nhảy vui đùa, để sau đó có thể trở lại việc học tốt hơn. Thái độ sốt sắng của bạn sẽ chỉ làm cả bạn và con thêm áp lực.
Sỹ diện
Không ít người vì sỹ diện nên dù thành tích của con mình chẳng mấy tốt đẹp, họ vẫn giả vờ lên giọng: “Con mình không quan trọng điểm số mà quan trọng quá trình học”, “nó luôn được thầy cô khen là thông minh”. Có người chạy chọt mua điểm cho con. Nhưng chính cách suy nghĩ này khiến bạn mất đi nhiều sự chia sẻ từ phía bạn bè, người quen về phương pháp giúp con. Vì bạn không chia sẻ thành thật nên người khác cũng không thể cho bạn lời khuyên bổ ích.
Còn ở phía trẻ, khi thấy cha mẹ cố tỏ ra sỹ diện, chúng sẽ hình thành nếp sống xấu: Đó là không dám nhìn nhận sự thật, sống giả dối. Khi biết bạn lấy lòng thầy cô giáo, mua điểm cho con thì trẻ càng có suy nghĩ tiêu cực: Nếu đứa trẻ tiềm ẩn những hư hỏng, thích ỷ lại, chúng sẽ càng lười học; Nếu con bạn là một đứa trẻ ngoan, biết xấu hổ thì sẽ càng xấu hổ và thất vọng khi bố mẹ phải nói dối về điểm số của mình hoặc phải gian dối để mua điểm số cho mình.
Cha mẹ nên nghĩ là
Con khỏe mạnh đã là may lắm rồi
Có bao nhiêu bà mẹ từ lúc mang thai tới khi con lớn, họ chỉ dám ao ước những điều nhỏ nhoi là con có thể tự ăn, tự tắm, tự đi (chứ dám gì mơ ước chuyện con có thể đến trường với thành tích này nọ…). Bởi thế, dù con bạn không được điểm cao nhưng chúng khỏe mạnh, ngoan ngoãn đã là một ân huệ.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn cho rằng việc con học kém là bình thường. Nếu cha mẹ quá dễ chấp nhận, con cũng nảy sinh ỷ lại và chấp nhận theo nên không phát huy hết khả năng. Do đó hãy trao đổi để con hiểu: Bố mẹ rất muốn con hãy cố gắng hết khả năng của mình. Chỉ khi thực sự con thấy đuối sức thì bố mẹ sẽ cùng con tìm cách khác.
Thành công không chỉ cần IQ
Sự thành công của một con người không nằm ở điểm số, bằng cấp hay chỉ số IQ. Sự thành công của con người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số vượt khó AQ, hòa nhập xã hội SQ… Nói nôm na như nhiều chị em trên diễn đàn thường dùng là “Học hành giỏi giang không quan trọng bằng ra đời biết cách sống”.
Vì thế bạn hãy khuyến khích con vui vẻ cùng bạn bè và để chúng tự tin với thế mạnh riêng của bản thân. Bạn nên xóa bỏ ý nghĩ rằng con học kém nghĩa là không còn trông mong gì vào tương lai sáng lạn, điểm số của con thấp nghĩa là cha mẹ chẳng có gì để tự hào về chúng… Bạn cần tin tưởng vào con để con có quyền tự tin.
Hiểu những điều đó, bạn sẽ thấy hài lòng về đứa con của mình. Vì vậy không chỉ bạn mà cả con bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống và sẽ “thoáng” hơn khi tìm đường đi cho con.
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét