ĐỪNG HOANG TƯỞNG VỀ CÁI GỌI LÀ KỶ LUẬT KHÔNG NƯỚC MẮT
(*) HAY LÀ SỰ MƠ HỒ CỦA THỨ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC “RU NGỦ NHỮNG KỸ NĂNG CỐT LÕI - NỀN TẢNG TẠO NÊN PHẨM CHẤT”
********************************
Thực tế, trong cuộc sống, mình thường nghe những câu như sau trong các tình huống thảo luận có liên quan đến giáo dục con cái:
1/ Tôi không muốn con tôi phải cạnh tranh, tại sao trẻ con mà đã phải cạnh tranh như thế?
2/ Tôi không thích con tôi phải chịu áp lực, nên tôi quyết định cho con tôi học trường quốc tế!
3/Tôi không bao giờ đánh hay trừng phạt con cái, vì tôi không muốn làm tổn thương chúng!
4/ Trẻ con như tờ giấy trắng, không nên cho chúng hay biết những chuyện buồn, chuyện không hay của người lớn làm gì, hãy để cho chúng được hồn nhiên!
Đương nhiên, những mệnh đề này thoáng nghe đã tạo cảm nhận về tính nhân văn, cách mạng và cho thấy bản thân người phát biểu rất có ý thức trong tình yêu dành cho đối tượng trẻ em, vì quyền trẻ em. Phần lớn, những cha mẹ trí thức, nhóm cha mẹ có tư tưởng cách tân trong dạy dỗ con cái là những người đi tiên phong trong những quan điểm giáo dục này.
Có hai giả định như sau:
(*) Giả định 1: NỖ LỰC PHI THỰC TẾ!
Cha mẹ đã nỗ lực lớn để thực hiện hoàn hảo quan điểm giáo dục "4 không" (không áp lực, không cạnh tranh, không hình phạt kỷ luật, không tổn thương) trong quá trình nuôi dạy con cái cho đến ngày chúng bước vào tuổi thành niên, tuổi mà dù muốn hay không, chúng cũng phải gia nhập một cách toàn bộ vào đời sống xã hội. Bấy giờ “cá thể” thành niên thụ hưởng thành quả giáo dục "4 không" ấy, tuy đã 18 tuổi vẫn mang một tâm hồn trắng tinh không tỳ vết của một đứa trẻ. Điều này, có chắc chắn làm cho những bậc cha mẹ hài lòng như kỳ vọng họ từng mong muốn? Thực tế, đời sống xã hội không chiều lòng ai cả - dòng chảy khách quan luôn lạnh lùng và vô cảm trước mọi giãi bày mang tính biện minh cho cá nhân. Điều này, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã diễn giải rất nhẹ nhàng hình ảnh, chuyên chở ý của Đức Phật: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng!”.
Xã hội loài người nói riêng và quy luật của sự sống nói chung vẫn luôn luôn tồn tại sự cạnh tranh, trạng thái áp lực gia tăng tùy lúc, hiện thực không như ý gây tổn thương, đau khổ và những hình thức trừng phạt khác nhau vân vân, lúc này lúc khác, đòi hỏi mỗi cá thể phải đối diện và đáp ứng. Như vậy, bạn đang dắt tay con bạn, đang dẫn con bạn đến ngưởng cửa cuộc đời độc lập của nó. Bên kia là thực tế cuộc sống, đời sống vẫn thế … và con của bạn chưa có một sự chuẩn bị gì, chưa có một sự tập dượt nào cho một tâm thế sẵn sàng với thế giới bên ngoài bộn bề và ngổn ngang thách thức ấy. Có thể phác họa bằng hình ảnh một cá thể thành niên (người đủ tuổi 18) đang chia tay với cha mẹ ở cuối "Thiên đường tuổi thơ" được tô bằng một thứ màu hồng tẻ nhạt, phần còn lại của bức tranh là toàn bộ cuộc sống xã hội sẽ là của nó, nơi nó sẽ phải gia nhập, phải trải nghiệm phải dấn thân, phải sống chiếm gần như phần lớn toàn cảnh bức tranh với vô vàn những sắc màu khác nhau… và ở giữa là một vực thẳm của sự thiếu kỹ năng, thiếu nhận biết và kinh nghiệm tập dượt.
(**) Giả định 2: Quy luật khách quan không nuông chiều ý muốn chủ quan!
Tuy nhên, kỳ vọng của cha mẹ, ảo tưởng của cha mẹ về một nền giáo dục yêu thương không cạnh tranh, không áp lực, không tổn thương, không hình phạt và nước mắt vân vân, chỉ nằm trong chủ quan thiếu sâu sắc, phiến diện hoặc bị cái bẫy của những truyền thông về một nền giáo dục “văn minh không tưởng” đánh lạc hướng.
Thực tế, đứa trẻ đã từng bước gia nhập xã hội ngay từ khi 3 – 4 tuổi, bắt đầu với mô hình xã hội thu nhỏ đầu tiên: trường mầm non. Những va đập xã hội từ thời điểm đó, tùy từng mức độ khác nhau đã cho chúng dần nếm trải sự cạnh tranh, áp lực quan hệ, sự tổn thương tâm lý và buộc phải chấp nhận những hình phạt khác nhau… Nước mắt là có đó, kể cả nỗi đau khổ. Bạn đừng chủ quan nghĩ rằng, chỉ người lớn mới có cảm thức đau khổ - nghĩ thế, mặc định thế, nghĩa là bạn đã chưa thật biết cách để yêu thương tuổi thơ của con cái mình rồi. Đứa trẻ phải đối diện với mọi vấn đề nêu trên trong lúng túng, bối rối… còn cha mẹ vẫn luôn ảo tưởng với niềm tin mù quáng của họ rằng, họ đã dành cho con cái một “tuổi thơ thần tiên” không tỳ vết.
Lớn dần theo năm tháng, bằng bản năng sinh tồn, đứa trẻ tự đánh giá bản thân ngày một thấp kém đi do nhận thấy sự yếu đuối và kém hiệu quả trong những đáp ứng của nó trước muôn vàn thách thức của đời sống xã hội. Chúng trở nên thụ động, ngày càng chui sâu vào tổ kén mà cha mẹ chúng dành cho chúng (chẳng hạn như sống thụ động vào sự sắp đặt của cha mẹ; ỷ lại, trông chờ vào tài sản kế thừa của cha mẹ vân vân). Và, dù đã lớn, những "đứa trẻ" này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, sống dưới cái bóng che chở quá lớn của cha mẹ, chúng không có khả năng để trưởng thành… dù cha mẹ ngày một nhiều tuổi và không còn khả năng làm chỗ dựa cho chúng nữa .
Hai kịch bản trên, chắc chắn bạn không hề muốn lặp lại trong hành trình làm cha mẹ của mình.
Tiếc thay, đây là điều đang diễn ra rất phổ biến trong giáo dục gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là trong các gia đình ở những thành phố lớn, có điều kiện. Mình gọi là nền giáo dục màu hồng và những công dân tổ kén!
Xét trên góc nhìn cha mẹ, một viễn cảnh con cái đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời mà như đứng trước bờ vực thẳm của sự vô nhận biết, không kỹ năng, trải nghiệm nào để tăng tiến dần nội lực, sức mạnh bên trong cá nhân, kỳ vọng có thể đáp ứng với mọi tình huống cuộc sống độc lập của chúng, chắc chắn bạn sẽ thấy hối hận và đau xót, nhưng đã muộn rồi.
Hoặc, bạn đang chứng kiến đứa con bước vào tuổi thành niên của mình, nó – là kết quả của thứ tình yêu không kỷ luật, không áp lực, không cạnh tranh, không tổn thương, không hình phạt mà bạn kiên trì chủ trương theo đuổi, đang trở nên ngày càng yếu đuối, ngày càng chui sâu vào cái tổ nhung êm ấm mà bạn đã dành sẵn cho nó… chắc hẳn bạn sẽ vô cùng lo âu và thất vọng.
(***) TƯỞNG LÀ CÁCH MẠNG NHƯNG THỰC RA LÀ TRẠNG THÁI BỊ ÁM ẢNH TIÊU CỰC
Có thể lý giải cho thái độ cực đoan, nông nổi này chính là "chị em sinh đôi", là chiếc gương phản chiếu cho một hiện trạng khác, (*) đó là môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến những thói xấu đặc trưng như sự đố kỵ, thói hẹp hòi, ganh ghét, mưu mô nham hiểm... đầy rẫy trong xã hội, tồn tại ngay cả trong môi trường giáo dục Việt Nam; (**) đó là môi trường tạo nên áp lực bệnh hoạn lên trẻ em với hàng chồng giáo trình, sách giáo khoa, tình trạng buộc phải học thêm vô giá trị… khiến cho tuổi thơ bị đè nén, bị bóp nghẹt, méo mó, lệch lạc trong những kinh sách giáo điều nhiều khi còn bộc lộ nhiều sai phạm phản giáo dục; (***) đó là nhan nhản những thói xấu, thói kệch cỡm, lố bịch và "thảm họa" thiếu nhân phẩm của người lớn, mặc nhiên phơi bày trước trẻ nhỏ; (****) là thói bạo hành, bạo lực con trẻ một cách vô lối với lý lẽ kiểu “Cha mẹ sinh ra con cái nên cha mẹ có quyền áp đặt định đoạt…” hay "yêu cho roi cho vọt..." vốn là cách nghĩ thô thiển và phổ biến trong xã hội, dù ngày nay, nó nấp dưới nhiều dạng tinh vi và ngụy tạo khác nhau.
Phản ứng cực đoan, phán xét, phủ nhận, quay lưng, nổi giận... với hiện trạng môi trường giáo dục không như kỳ vọng, như mô tả phần trên, thực ra lại cho thấy sự mắc dính và tâm lý bị ám ảnh bởi hiện trạng ấy, chứ tuyệt nhiên nó không không phải là thái độ tích cực được dẫn dắt bởi một sự thấu đạt quy luật cuộc sống và hiểu biết một cách tỉnh táo.
Tâm lý mặc định “Tuổi thơ là tuổi thần tiên” (kéo theo là những mặc định kiểu như “gì thì gì, đời nó sướng hơn đời mình nhiều”; “đời cua cua máy đời cáy cáy đào” vân vân) của cha mẹ, của xã hội, của người lớn đang thực sự khiến cho nhiều thế hệ, nhiều cá thể lớn lên trong mơ hồ, thiếu kỹ năng cốt lõi, thiếu nội lực và sống một cuộc sống đầy mâu thuẫn, hoang mang và bất an.
(*****) Với mình, TUỔI THƠ THẦN TIÊN của Minh Khuê được mình định nghĩa "Là giai đoạn Kim Cương của cuộc đời". 18 năm ấy, trong vai trò người đồng hành của con gái, mình chỉ dẫn để con gái quan sát, nhận biết quy luật cuộc sống, hiện thực khách quan bằng cái nhìn thực tế, tỉnh táo, không tô hồng, không bôi đen, không lảng tránh. Từng bước hướng dẫn, để con gái nhận diện và đón nhận sự cạnh tranh trong tâm thế chủ động. Từng bước thông qua những tình huống cuộc sống để hướng dẫn con gái nhận diện và tăng tiến dần khả năng chấp nhận áp lực, ngày một tăng tiến. Từng bước từ nhỏ, hướng dẫn con gái tự khép mình vào kỷ luật nội tâm, nâng cao lòng tự tôn thông qua mỗi lần nỗ lực vượt lên chính mình, khắc phục những sai lầm, sai phạm trước đó. Từng mức độ tăng tiến, mình hướng dẫn để con gái biết cách chịu đựng, đương đầu với những vết thương tâm hồn, những tổn thương nào đó...(ví dụ, đối diện với cái chết của con cún cưng; đối diện với hiểu biết về sự hữu hạn của đời người, đối diện với sự nói xấu, bôi nhọ sau lưng vân vân, giúp con gái cách thức chủ động chữa lành vết thương trong nhận biết, hiểu biết quy luật, bản chất của quy luật... Chính vì được tập dượt thường xuyên trong sự hướng dẫn, dấn thân của người mẹ, khiến 18 năm đầu đời của Minh Khuê tràn đầy năng lượng, tràn đầy cảm xúc, phong phú những nhận biết để soi sáng nội tâm, nội lực, để hình thành và mạnh dần một tâm thế bình thản trong tuệ giác, khiêm nhường thành thật, với một nội tâm vững vàng, minh triết, nên thái độ sống của Minh Khuê càng lớn càng trở nên thân thiện, cởi mở, từ ái và chân thành.
Mình hoan hỷ vì đã nỗ lực dành tặng con gái 18 năm Kim Cương thật trọn vẹn. Với quan điểm của mình, Tuổi thơ thần tiên của con gái là như thế.
Mẹ Việt phải yêu con và dạy con bằng "tài sản" là tuệ giác minh triết, áp dụng thông thái trong hoàn cảnh ngay nơi mình đang sống, không chạy trốn hay chối bỏ hoàn cảnh môi trường, vì trẻ vẫn lớn lên từng ngày, không chờ đợi đến ngày nào đó để thụ hưởng một môi trường hoàn hảo. Vì nhân cách của trẻ sẽ được bồi đắp nơi đây, không phải là nơi khác - Do đó, Mẹ Việt cần bình tĩnh quán chiếu thực tại khách quan, tư duy thực tiễn, hành động sáng suốt bền bỉ, kiên nhẫn tràn đầy hơn bất cứ người mẹ nào ở các quốc gia văn minh, trong nỗ lực đồng hành cùng con đến trưởng thành. Với tâm thế đó, Mẹ Việt có cơ sở để kiêu hãnh, vững tin về một tương lai đủ năng lực làm chủ vận mệnh, vững tin vào khả năng trở thành chủ nhân toàn cầu của những người con Việt tràn đầy nội lực.
Và, có hoan hỷ nào tràn đầy hơn, khi người mẹ nhìn thấy con cái trưởng thành khỏe khoắn, lành mạnh, có lòng từ ái khiêm nhu và một tuệ giác luôn luôn hướng thượng, phát triển. Và, có giá trị nào gọi tên đẹp đẽ hơn, khi người mẹ thanh thản nói, "Tôi đã đồng hành cùng 18 năm kim cương của con mình hoàn toàn trọn vẹn!"
Thiết nghĩ, chúng ta nên thay đổi cách nhìn để khớp với quy luật của sự sống rằng, trẻ không chủ động được sinh ra. Chúng bị động có mặt trên đời, chúng được sinh ra bởi người lớn cần có chúng trên đời. Lý do có nhiều, (*) Vì tình yêu và cảm hứng được làm cha mẹ, (**) Vì lo lắng cho tuổi già cô đơn không nơi nương tựa, (***) Vì khát vọng gắn kết bền lâu với một đối tác khác phái trong tình ái lứa đôi, vân vân; (****) Hoặc lý tưởng là sự kết hợp hoàn hảo tất cả mọi lý do đó. Nhưng cho dù vì bất cứ lý do gì, bạn cũng phải đảm bảo rằng, những cá thể được sinh ra cần được dạy dỗ trong yêu thương và tuệ giác của cha mẹ, gia đình và xã hội trong suốt 18 năm đầu đời, để chúng có khả năng gia nhập toàn bộ vào đời sống xã hội, hay nói nôm na là biết sống với người dưng. Hơn thế nữa, một đứa trẻ đến khi trưởng thành trở nên biết sống thong dong, hoan hỷ, lợi lạc, hướng thượng là một bậc cao hơn trong nỗ lực hành động yêu thương, một nỗ lực tỉnh táo hiểu biết của cha mẹ đã bền bỉ hướng dẫn con cái nên NGƯỜI theo nghĩa viết hoa đẹp đẽ.
Hai xu hướng giáo dục con cái đối nghịch nhau hiện tồn tại song hành trong xã hội Việt Nam, xung đột, tương phản... nhưng tiếc thay, chúng lại hoàn toàn giống nhau về bản chất: đó là phản ánh sự hoang mang trong bản năng sinh tồn: (*) Một theo hướng tăng động (*) Một theo hướng chống trả thụ động; (*) Một theo hướng sẽ đạt mục tiêu bằng mọi giá nhưng luôn ám ảnh sự bất an nội tâm, căng thẳng và đau khổ. (*) Một theo hướng nhu nhược, yếu ớt, không có giá trị bản thân.
Tất nhiên, những cá thể lớn lên ở hai kiểu dạy dỗ cực đoan này sẽ giống nhau ở chỗ, không bao giờ tìm thấy hạnh phúc nội tâm, không cảm nhận được giá trị bản thân và không thấy yêu chính bản thân mình do đó, những cá thể này cũng khó lòng nảy nở tình yêu với tha nhân, sự bao dung độ lượng và sự thành công đich thực của một cuộc sống dồi dào ý nghĩa là điều không thể có với họ.
Buồn thay, hai xu hướng giáo dục tuy có vẻ đối nghịch nhau, nhưng thực ra chúng là cùng một cách nhìn nhận: thô thiển, không quan tâm đến quy luật tự nhiên – quy luật xã hội và vì thế chúng luôn đi cùng nhau như hình với bóng. Thật may, mình tỉnh táo quán chiếu và nhận thấy hình tướng của quy luật. Nắm bắt quy luật và dựa vào quy luật để hướng dẫn con gái bước đi vững vàng trong quá trình 18 năm ấu thơ. Cho con, giúp con, hướng dẫn con trải nghiệm và tập dượt thuần thục 4 kỹ năng cốt lõi kể trên, trước khi bạn ấy vững tin gia nhập vào cộng đồng Harvard University – nơi khởi đầu cho một hành trình sống độc lập tự chủ hoàn toàn của bạn ấy với tất cả mọi cơ hội và thách thức ở đó, khi bạn ấy đã có đầy đủ kỹ năng để xoay xở và hưởng thụ cuộc sống tự do tươi đẹp của chính mình.
Trước bài viết này, mình đã có những bài phân tích và chia sẻ trải nghiệm về việc vì sao phải huấn luyện dẫn dắt trẻ chấp nhận tính cạnh tranh?
Vì sao và bằng cách nào để huấn luyện và dẫn dắt con cái từng bước đáp ứng những áp lực tăng dần của cuộc sống mà vẫn thong dong, vẫn cảm thụ được hoan hỷ từng ngày?
Trong bài viết này, mình sẽ phân tích kỹ về những hiểu biết và trải nghiệm của mình để thấy rõ sự hoang đường trong lối tư duy ngụy tạo “Kỷ luật không nước mắt” đang phổ biến lan tràn trong tâm lý xã hội.
NHỮNG CHA MẸ LO LẮNG HOANG MANG
Bạn sẽ không khó khăn gì để nghe những lời phàn nàn kiểu như: “Dậy trẻ con bây giờ khó thật, hễ cao giọng trách móc chứ chưa nói đến đánh mắng như các cụ ngày xưa, là chúng có thể bỏ nhà ra đi. Xã hội thì quá nhiều cạm bẫy, nào quán internet trá hình, nào thuốc hướng thần bày bán như bán thuốc diệt chuột, tìm mua không khó không đắt; kẻ xấu rình rập để lạm dụng con mình thì nhan nhản… thú thật mình thấy bất lực ngay cả khi con cái ương bướng hỗn láo… Thôi thì đất không chịu trời thì trời chịu đất vậy. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, biết làm sao được… Mình cũng rất quan tâm, mình cũng rất sát sao dạy bảo mà sao thấy khó quá…”
Quả nhiên, hiện nay, tình trạng trẻ đến tuổi dậy thì và vị thành niên sẵn sàng bỏ nhà đi bụi, đi qua đêm để đáp trả lại những hình thức kỷ luật cứng của cha mẹ như mắng mỏ, quát đánh… đã trở nên phổ biến kể cả tại những vùng nông thôn. Bỏ nhà đi, đồng nghĩa với việc chúng sa đà vào internet với muôn vàn thứ xấu xa trên mạng ảo, sa đà vào những nhóm bạn xấu… Điều này, khiến các bậc cha mẹ càng trở nên bất an lo lắng. Một tâm trạng bất lực lây lan trong các bậc cha mẹ khi đề cập đến vấn đề giáo dụ, uốn nắn con cái khi chúng đã đến ngưỡng phải nhận thức được kỷ luật nghiêm khắc (như: khi trẻ nói dối, hỗn láo, bỏ học, vô kỷ luật, lười biếng, bạo lực, vô cảm vân vân)
Đầu hàng hay bất lực, hay thỏa hiệp, thậm chí là sử dụng biện pháp mua chuộc, mặc cả với trẻ khi chúng vượt quá ngưỡng của những giới hạn cho phép về kỷ luật, hay những sai phạm cần uốn nắn, sửa đổi… đang là cách mà nhiều bậc cha mẹ đành lựa chọn, vì họ cho rằng, điều này còn an toàn khả dĩ hơn là dùng hình phạt nào đó kèm theo là nỗi lo sợ/ nguy cơ trẻ bỏ nhà đi.
Hệ lụy của thái độ lúng túng, bối rối, mất phương hướng trong quá trình đồng hành cùng con, đương nhiên là nguyên nhân khiến hình thành một bộ phận không hề nhỏ thế hệ trẻ lớn lên yếu đuối theo hai hướng sau:
1/ Không có kỹ năng để xoay xở với những nguyên tắc, kỷ cương của xã hội, đặc biệt càng khó tham gia vào các tổ chức xã hội cao hơn vì không thể đáp ứng những đòi hỏi về kỷ luật tự giác, sự nỗ lực cần thiết cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, do đó luôn rơi vào tình trạng phạm lỗi, gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, cảm thấy bất an, bất mãn với xã hội… dần dần thu mình lại và ôm trong lòng chủ nghĩa thất bại, thói quen đổ lỗi cho ngoại cảnh. Đây là "sản phẩm" - những cá nhân được cha mẹ nhanh chóng thỏa hiệp, không bao giờ dùng hình phạt, kỷ luật thay vào đó là những mua chuộc kiểu như: con chịu khó học hành, mẹ sẽ mua cho cái Iphone; hay "Con phải biết nghe lời thì mẹ mới yêu" hay "Con làm bài tập đi, tối mẹ cho tiền đi ăn KFC cùng các bạn" vân vân. Lâu dần, những đứa trẻ quen với tâm thế được mua chuộc, có thói quen mặc cả để thực hiện một yêu cầu nào đó, sẽ nẩy sinh tâm lý ngạo mạn, coi mình là trung tâm muốn gì được nấy… Tuy nhiên, xã hội không có trách nhiệm phải chiều chuộng ai, những cá nhân này sẽ dần rơi vào cảm thức của chủ nghĩa thất bại.
2/ Do dạn dĩ với hình phạt, với đòn vọt từ tấm bé, cộng thêm những lần bỏ nhà đi bụi với cảm thức bất mãn, oán hận đối với đấng sinh thành đã đối xử bất công, những cá nhân này có xu hướng trở thành những con người nhẫn tâm, lạnh lùng, ích kỷ và có thể đi đến phạm tội không dừng dứt. Hoặc ngược lại, có thể trở nên nhu nhược, sợ hãi và thấp hèn do cảm giác về giá trị bản thân bị đánh mất trong những trận đòn hay hình phạt hà khắc, sự lăng mạ không xót thương ngay từ tấm bé.
(***) Rất nhiều khi, mình đã dùng hình ảnh sau (có phần thậm xưng) để khắc họa, để mô tả tâm thế của những bậc cha mẹ yêu con một cách tỉnh táo và lý trí: “Quá trình đồng hành cùng con cái đến khi chúng trưởng thành ví như bạn đang đi thăng bằng trên dây. Chỉ cần bạn mất trọng tâm, chỉ cần bạn thiên lệch về một bên nào đó, lập tức bạn sẽ bị ngã lộn nhào và thất bại là điều đương nhiên!”
Do đó, yêu thương con cái vô điều kiện không bao giờ, chưa bao giờ lại đối lập và mâu thuẫn với việc cần phải huấn luyện, cần phải có những lúc nghiêm khắc thậm chí là sử dụng đến hình phạt trong huấn luyện. Điều phân tích này cho thấy, phần lớn các bậc cha mẹ đang bị nhầm lẫn, mơ hồ giữa các hệ giá trị khác nhau: "TÌNH YÊU THƯƠNG CON CÁI VÔ ĐIỀU KIỆN" phải là phẩm chất cần thiết của cha mẹ tuệ giác; "NỖ LỰC GIÁO DỤC CON CÁI MỘT CÁCH TỈNH TÁO VÀ LÝ TRÍ" phải là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời và "ÁP DỤNG NHỮNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT- HÌNH PHẠT" trong quá trình huấn luyện con cái, đó là một công cụ, một giải pháp tùy lúc.
Như vậy, bạn đã thấy rõ các hệ giá trị này không bao giờ triệt tiêu, mâu thuẫn hay đối nghịch nhau. Bây giờ, bạn chỉ cần minh triết một điều quan trọng mấu chốt: Dù bạn sử dụng công cụ gì trong nỗ lực giáo dục và hướng dẫn đồng hành cùng con cái, thì dứt khoát thứ công cụ đó phải được sử dụng dựa trên một tình yêu thương vô điều kiện và một tuệ giác tỉnh táo, có cân nhắc thận trọng đến hiệu quả lâu dài đối với tâm hồn và tuệ giác đứa trẻ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét