Trong một thế giới "nhiễu loạn" về giới tính như hiện nay, việc nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ có giới tính lành mạnh thực sự trở thành một thách thức không nhỏ đối với cha mẹ.
Những điều đơn giản dưới đây có thể sẽ trở thành kim chỉ nam hữu ích cho bạn.
1. Lắng nghe
Hãy trò chuyện với con thật thoải mái, gần gũi. Đôi khi, vì là cha mẹ, chúng ta giỏi thuyết giáo, nhưng lại chưa biết thực sự lắng nghe. Vây nên, để cải thiện điều này, bố mẹ nên hỏi con những câu hỏi mở, đợi con trả lời và chuyện trò thêm với con.
Đó là cách giúp con trở nên độc lập, hướng dẫn con học được cách làm thế nào để tự mình đối mặt với rắc rối và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, bằng những câu hỏi như: “ Con có ý kiến gì hay không?”, “Theo con đâu là câu trả lời cho vấn đề này?”, “Con có nghĩ được giải pháp nào là tốt nhất không?”…
Khi trò chuyện với con, chúng ta phải luôn điềm tĩnh, dù thế nào cũng không được phản ứng gay gắt hay phán xét con nếu nó đưa ra quan điểm trái với ý mình.
Ảnh minh họa: Internet
2. Sáng suốt
Là người làm cha làm mẹ, chúng ta không thể cứ mặc nhiên mà nghĩ mọi thứ đều ổn và được kiểm soát tốt. Dù rằng không phải lúc nào bố mẹ cũng “sống trong sợ hãi” , nhưng chúng ta phải sáng suốt lường được các nguy cơ và rủi ro có thể đến mới con mình, trước hết là quan tâm tới mọi mặt đời sống của con: con đang ở đâu, bạn bè con, gia đình bạn, con đang xem chương trình gì, đang nhắn tin với ai, đang nghe loại nhạc gì, đọc sách gì, ăn mặc như thế nào, có thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chơi game không, con thường tải về những ứng dụng gì.
Nếu bạn chưa thạo về công nghệ lắm thì phải cố gắng cải thiện. Máy tính, ti vi và các thiết bị công nghệ phải đặt ở phòng sinh hoạt chung, thiết lập các quy tắc sử dụng và được giới hạn chặt chẽ về thời gian.
3. Luôn bên con
Hãy dành thêm thời gian cho con cái, đừng để những bận rộn cuộc sống lấy đi hết thời gian của bạn dành cho gia đình. Khi con cái ngày một lớn lên, giờ giấc sinh hoạt, học hành không giống nhau, cha mẹ hãy sắp xếp thời gian để cả nhà được bên nhau mỗi bữa cơm gia đình.
Cha mẹ, bằng những cử chỉ giao tiếp thông thường hãy cho con gái thấy con xứng đáng được những người đàn ông quanh con đối xử như thế nào: luôn giúp đỡ con, nâng niu con, dành cho con mọi ưu ái đặc biệt; dạy các cậu con trai lịch thiệp và biết trân trọng phụ nữ. Ngoài ra, bố nên chơi thể thao cùng con, cho con trai cùng sửa, lắp đồ trong nhà để bố con có thể bên nhau nhiều hơn, tình cảm gắn bó và hiểu nhau hơn.
4. Khuyến khích tình bạn lành mạnh
Trước hết, bạn dạy con mình biết cách tôn trọng bạn bè và mọi người, giúp con hiểu được giá trị quan trọng của tình bạn trong cuộc sống, tạo cơ hội cho con được gặp gỡ bạn bè, kết giao nhiều hơn với những nhóm bạn có cùng sở thích.
Khi con ở độ tuổi “ẩm ương” mới lớn, thì tình bạn khác giới hay tình yêu không phải là điều cấm kị nhưng cha mẹ cũng phải nhắc nhở con không nên dành quá nhiều thời gian hay sự quan tâm cho chỉ một mối quan hệ đó.
Dù ở tình huống nào, nếu các mối quan hệ bạn bè không cho con cảm thấy được tôn trọng, an toàn và những tình cảm chân thành thì con không nên tiếp tục.
5. Khích lệ, động viên
Khi nói chuyện với con, cha mẹ nên dùng nhiều hơn những lời động viên, vỗ về con, bởi với con cái, cách nhìn nhận và đánh giá tích cực của cha mẹ luôn rất quan trọng, cho con cảm giác được đón nhận, như những giọt nước mát làm tâm hồn con được an lành hạnh phúc. Bạn có thường xuyên nhìn vào mắt con, nói rằng dù thế nào đi nữa bạn luôn yêu con vô điều kiện?
Hãy nói với con chúng thật cam đảm và đáng yêu, con là món quà quý giá nhất mà cuộc sống đã mang tới cho bố mẹ, bố mẹ chỉ cần con được sống vui vẻ thoải mái. Ở từng độ tuổi phù hợp, cũng nên trò chuyện với con về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm: như giới tính, tình yêu, tình dục, cho con hiểu biết, cái nhìn đúng đắn, khôn ngoan về mọi mặt đời sống để con trưởng thành, cứng cáp hơn.
Ảnh minh họa: Internet
6. Hãy bảo vệ con
Cha mẹ phải thiết lập những ranh giới, nguyên tắc cơ bản để con học được cách ứng xử phù hợp với độ tuổi và nhắc con nhớ cha mẹ luôn là người đưa ra lời nói quyết định sau cùng. Sẽ có nhiều lúc, bọn trẻ không đồng tình lắm với sự nghiêm khắc của cha mẹ nhưng càng lớn lên, chúng sẽ phải cảm ơn cha mẹ vì điều này.
Con trẻ cần học tính kỷ luật, cần khuôn phép dù là ở độ tuổi nào, để chúng luôn được bảo vệ và có khả năng tự vệ ở các khuôn khổ an toàn có sẵn.
7. Nuôi dưỡng tinh thần gia đình
Tinh thần gia đình về cơ bản là như nhau, dù ở mỗi loại hình gia đình khác nhau. Đó là khi mỗi thành viên trong gia đình luôn sẵn sàng cùng nhau học cách giải quyết mâu thuẫn, đương đầu thử thách và vượt qua gian khó.
Chẳng có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo ngay từ buổi ban đầu, nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta hãy luôn dành cho nhau yêu thương, tôn trọng và sẻ chia. Đó là cách tốt nhất để giữ gìn hôn nhân và nuôi dưỡng tinh thần gia đình, giúp con cái có thái độ sống tự tin tích cực trong môi trường xã hội đầy phức tạp như hiện nay.
Theo Lâm Ngọc - Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét