Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Loạt bài chia sẽ của mẹ Hồ Thị Hải Âu. B4

“ĐỪNG TẠO ÁP LỰC CHO TRẺ!”
HÃY THẬN TRỌNG CÁI BẪY NGỌT NGÀO!

Bạn bè mình, khá nhiều người được xếp vào tầng lớp trí thức – doanh nhân trung lưu của xã hội. Đôi khi, ngồi nói chuyện với nhau thì vô vàn chuyện, nào chuyện làm ăn, chuyện thế sự, chuyện chính trị chính em, chuyện bê bối tình ái nhân gian bla bla, vân vân. Cuối cùng, bao giờ cũng trở về chuyện học hành của con cái… điều mà dường như ai cũng đau đáu trong lòng.
Sau những phàn nàn, muộn phiền muôn thuở về tình hình chung của nền giáo dục không có triết lý, những mệt mỏi với hệ lụy tiêu cực của nó kèm một lời than đại loại: “chuyện học hành của bọn trẻ bây giờ thật khốn khổ” sẽ là những giải pháp mang tính tình huống như: cho con học trường tư, cho con vào trường quốc tế, cho con du học phổ thông… vân vân. 
Thế mà không phải đã hết những âu lo triền miên. 
Trong những cuộc chuyện trò đó, mình thấy nổi lên một số quan điểm thường lặp lại:

1/ “Tôi để con tôi phát triển tự nhiên, không áp đặt gì?”
2/ “Con tôi sau giờ tan trường về nhà là được vui chơi, tôi không tạo thêm cho nó áp lực gì?”

Hai quan điểm này chỉ khác nhau ở cách diễn đạt, sâu bên trong nó tương đồng và tương hỗ lẫn nhau, dường như nó là một quan điểm mang tính cách mạng trong giáo dục nào đó: tôn trọng tối đa sự phát triển của từng cá thể. Trong một môi trường mà nền giáo dục chung còn bộc lộ nhiều bế tắc, thì những kiểu suy nghĩ này đang nhận được nhiều đồng tình, và thường đi đến cực đoan như một cách tỏ thái độ đối lập với nền giáo dục công hiện nay!? Do đó, mình nghĩ, nếu không cẩn thận, nó trở thành một cái bẫy nguy hiểm.
Cụm từ “Để trẻ được phát triển tự nhiên” – được nghe quen tại các nước có nền giáo dục tiên tiến thế giới. Ở những quốc gia này, từ nhà nước – xã hội – nhà trường – cha mẹ đã có những đồng thuận cơ bản nhất trong triết lý giáo dục con người. Môi trường xã hội – môi trường giáo dục tiệm cận sự hoàn hảo và hệ thống phản biện sắc bén hữu hiệu… Như vậy “phát triển tự nhiên” ở đây phải được hiểu là trẻ được lớn lên trong môi trường giáo dục chủ động tốt nhất, nhậy bén nhất, chu đáo nhất, tôn trọng tính bản thể riêng có nhất.
Nếu cứ máy móc đưa quan điểm này vào môi trường VN để huyễn hoặc rằng, mình có tư duy mới, hiện đại trong giáo dục … thì thực ra là chúng ta mắc vào một cái bẫy văn minh. Kiểu như, những nhóm người không có tập quán nuôi bò sữa và uống sữa bò hàng chục nghìn năm, thì trong hệ tiêu hóa của họ không có men lactamin để hấp thụ sữa, lại là những nhóm người nhập khẩu nhiều sữa nhất thế giới với một niềm tin rằng sữa bò là thức ăn bổ dưỡng nhất!
“Đừng tạo áp lực cho trẻ!” – cũng là một khẩu hiệu đang ru ngủ nhiều người để tin rằng, đấy là cách mang lại hạnh phúc cho trẻ! Điều này nghe rất thuyết phục, nhưng nếu hiểu một cách cực đoan thì lại là điều đáng bàn lắm. 
Trong võ thuật, võ sinh chân chính phải dành nhiều năm tháng cuộc đời để rèn luyện khả năng chịu đựng đau đớn, rèn luyện khả năng hứng chịu đòn của đối phương và rèn luyện sự nhậy cảm để né đòn hiểm. Đây được coi là giai đoạn vô cùng quan trọng, những chiêu thức tấn công không hẳn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình rèn luyện.

Tương tự như vậy, mình có quan điểm trong giáo dục con gái rằng, cần thiết lắm việc dạy cho trẻ biết cách chịu đựng áp lực tăng tiến dần, dạy trẻ biết chịu đựng đau đớn, biết đón nhận thất bại… Đây là những phẩm chất quan trọng giúp trẻ trở nên lành mạnh, vững vàng, quân bình tâm lý khi trưởng thành, đáp ứng được với những biến động ngoại cảnh, một thực tế đầy áp lực trong đời sống xã hội, mà vẫn giữ được vui vẻ, lạc quan!
Quan trọng là những quan điểm ấy luôn được rọi sáng bằng một tình yêu vô bờ bến, tỉnh thức và sáng suốt của mình giành cho con gái bé bỏng.
Bạn hình dung thế nào, một đứa trẻ muốn gì được nấy, không bao giờ phải đối diện với những áp lực để rèn luyện khả năng tự kiểm soát, bình tĩnh và khiêm nhường… thì khi lớn lên chúng sẽ yếu đuối và kém tự tin ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét