(Làm mẹ) - Trẻ học được rất nhiều điều từ những hoạt động đơn giản. Mẹ hãy giúp con bồi đắp trí tưởng tượng cho bé để kích thích trí thông minh, cổ vũ trẻ hăng say học tập và phát huy tính sáng tạo mỗi ngày nhé!
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên trí tưởng tượng bắt đầu hình thành và giúp chúng khám phá thế giới. Nhờ trí tưởng tượng, trẻ có thể sáng tạo ra nhiều điều và phá tan sự đơn điệu, tẻ nhạt trong cuộc sống. Đồng thời trí tưởng tượng giúp trẻ hình dung ra được trước kết quả trong các hoạt động của mình. Tuy nhiên, trí tưởng tượng không phải do bẩm sinh, di truyền hay tự nhiên có sẵn, mà phải được bồi dưỡng từ trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên:
1. Tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc nhiều với yếu tố thẩm mỹ
Cha mẹ đưa trẻ đi xem triển lãm tranh để trẻ có cơ hội ngắm những bức tranh mang tính nghệ thuật, cho trẻ sống hòa mình với thiên nhiên để trẻ quan sát thế giới tự nhiên. Nếu có điều kiện, hãy cho trẻ tham quan các làng nghề thủ công mỹ nghệ nhằm khơi gợi trí tưởng tượng ở trẻ. Khích lệ trẻ vẽ ra những gì chúng tưởng tượng được. Trong khi trẻ hình dung ra các hình ảnh, biểu tượng, tốt nhất cha mẹ không nên gợi ý sẵn chủ đề, mà để trẻ nghĩ sao vẽ vậy.
2. Kể chuyện ngụ ngôn
Sau khi kể chuyện cho con nghe, cha mẹ nên động viên con kể lại câu chuyện hoặc tóm tắt, nêu lại cảm nghĩ, rút ra bài học cho bản thân. Để phát huy cao độ trí tưởng tượng của con, đôi lúc cha mẹ chỉ nên kể nửa chừng câu chuyện rồi để trẻ tưởng tượng kể tiếp.
3. Tạo âm nhạc cho bé
Mặc dù bé chưa sẵn sàng để tiếp thu nhạc một cách bài bản song bạn có thể đưa vào thế giới của bé một chút âm thanh sinh động. Bạn có thể cùng bé lắng nghe một vài giai điệu và khuyến khích bé cùng tham gia hát, múa, chơi đồ chơi, dụng cụ âm nhạc tự tạo.
4. Khuyến khích bé chơi nhập vai
Tưởng tượng mình là bố, mẹ, bác sĩ, giáo viên… giúp bé chế ngự và kiểm soát được những cảm xúc buồn, vui, hoảng sợ, an toàn... Cách này cũng tạo cho bé sức mạnh và trách nhiệm với bản thân trong vai trò mới.
Bé học được rất nhiều từ cuộc sống tưởng tượng. Khi “tổ chức” một kịch bản, một trò chơi và tham gia vào đó, bé sẽ phát triển được kỹ năng sử dụng lời nói và giao tiếp xã hội.
5. Cung cấp “đồ nghề” cho bé
Hầu như mọi thứ đều có thể làm đạo cụ cho những vở kịch tưởng tượng của bé. Đạo cụ càng đơn giản càng tốt: Chiếc hộp carton có thế trở thành ôtô, con thuyền hoặc tàu hỏa. Khăn tắm có thể trở thành áo choàng của siêu nhân hay công chúa. Bạn hãy để bé được tự do đưa ý tưởng, không nhất thiết phải bắt chước giống y như trong phim hoạt hình - điều đó sẽ không có lợi cho trí tưởng tượng của bé.
6. Động viên trẻ mô tả lại những cảnh vật trẻ được chứng kiến hoặc thấy thú vị
Có thể trẻ sẽ có sự tưởng tượng ngây ngô, hoang đường nhưng tuyệt đối không nên chế giễu trẻ, thay vào đó chăm chú lắng nghe và định hướng tế nhị để kích thích hứng thú và sự phát triển trí tuệ ở trẻ.
7. Kích thích lòng hiếu kỳ ở trẻ
Chính trí tò mò, hiếu kỳ sẽ là động lực thúc đẩy trẻ khao khát và khám phá những điều bí ẩn trong thế giới. Đó cũng là điều kiện quan trọng để phát triển sức tưởng tượng phong phú. Nếu biết cách kết hợp khéo giữa sự hiếu kỳ với óc tưởng tượng khoa học, trẻ có thể có được tính sáng tạo.
8. Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi mang tính sáng tạo
Vui chơi là hoạt động rất cần thiết của trẻ. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ chủ động tưởng tượng ra chủ đề và nội dung thông qua các trò chơi. Cần cho trẻ tự làm các đồ chơi từ những nguyên vật liệu có sẵn trong nhà như làm diều, xếp hộp quà, làm hoa, các mô hình máy bay, ôtô...
Những trò chơi ẩn nấp đơn giản cũng là một cuộc phiêu lưu kỳ thú đối với bé. Bạn có thể chơi cùng con và khuyến khích bé tưởng tượng các tình huống mà (trong vai người thuyền trường, người thợ săn...) có thể gặp phải, chẳng hạn như: Gặp thú dữ bé cần ẩn nấp, gặp con người có thể hỏi thăm đường...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét