Con trai tôi năm nay 6 tuổi. Có một vấn đề tôi gặp phải khi dạy con đó là cháu rất bướng bỉnh và không chịu nghe lời, nhất là khi gặp người lạ hay khi nhà có khách.
Bố mẹ có nói thế nào cháu cũng nhất quyết không làm theo hoặc nếu có, cháu làm miễn cưỡng, qua loa, tỏ thái độ khó chịu. Các chuyên gia có thể tư vấn giúp trường hợp con trai tôi được không, tôi sợ rằng càng lớn sẽ càng khó uốn nắn cháu hơn.
Chào bạn,
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ nhiều khi gặp phải tình huống con bướng bỉnh, không chịu nghe lời, nhất là khi gặp người lạ hay khi nhà có khách. Trong những lúc như thế, cha mẹ cảm thấy rất lúng túng không biết xử lý như thế nào vì nếu dạy con trước mặt khách thì không hiệu quả.
Và dường như những đứa trẻ hiểu được điều đó và càng phá bạn nhiều hơn khi có khách đến nhà. Trong những lúc như thế, bạn thật bình tĩnh và tham khảo những biện pháp của chúng tôi đưa ra dưới đây.
Động viên và khen ngợi con: Trẻ sẽ luôn cảm thấy bất an, không muốn thoát khỏi lớp vỏ bọc bướng bỉnh khi bố mẹ luôn thể hiện thái độ coi thường, quát mắng… với mình. Những cảm xúc cũng như phản kháng của trẻ lúc đó sẽ là giận dữ, quyết liệt chống lại bố mẹ.
Nếu bạn muốn thay đổi một đứa con bướng bỉnh, bạn cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt cho dù đó là việc nhỏ nhất. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.
Bạn cần kiên nhẫn: Nếu bạn muốn con làm điều gì đó, hãy đưa ra yêu cầu khi con đang rảnh rang, sẵn sàng giúp bạn. Bố mẹ cũng nên tránh chen ngang việc mình muốn con làm khi chúng đang mải miết với những vấn đề riêng của chúng. Bất cứ việc gì bạn muốn con làm mà khiến trẻ bị gián đoạn chắc chắn chúng sẽ khiến bạn nổi điên vì không thèm để tâm đến việc bạn yêu cầu.
Trong trường hợp bạn có việc gấp, hãy nói cho con biết để trẻ hiểu rằng giúp mẹ lúc này là quan trọng hơn. Nếu bạn dứt khoát ép trẻ bằng lời ra lệnh thì sẽ đẩy hành vi bướng bỉnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
Bạn đừng áp đặt: Bạn là cha mẹ và bạn biết điều gì là tốt nhất cho con của mình. Tuy nhiên bạn thường không để ý đến cảm xúc cũng như suy nghĩ của con, bắt con làm những việc mà con không muốn. Bạn thường không cần hỏi hoặc luôn ra lệnh mỗi khi bạn muốn con làm điều gì đó. Sự cứng nhắc khi đưa ra yêu cầu cho con, thậm chí là cho con lãnh luôn hậu quả khi chúng không thực hiện những việc bạn nói sẽ khiến trẻ không phục.
Nếu bạn lúc nào cũng ra lệnh cho con làm theo ý của mình thì chắc chắn sẽ chỉ khiến trẻ bướng bỉnh hơn. Vì thế bạn nên kiểm soát chừng mực thái độ cũng như hành vi của mình đối với con. Đừng để con thấy rằng bạn là cỗ máy cứng nhắc chứ không phải là bố mẹ mình.
Giữ bình tĩnh: Bạn không nên hà khắc và lâp tức nổi nóng với con vì con không lắng nghe hay làm theo những điều bạn muốn. Bởi vì có thể việc bạn muốn lại là việc bất khả thi hoặc gây phiền hà cho con. Ở những tình huống như vậy, bạn cần phải kiên nhẫn và hiểu con của mình.
Hãy khiến con hiểu rằng việc bạn làm là muốn tốt cho con và con cần phải tôn trọng ý kiến của mình. Tuyệt đối không nên nổi nóng, đánh mắng con vì điều đó sẽ khiến trẻ có ác cảm với cha mẹ và trở nên bướng bỉnh hơn.
Phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con: Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Trẻ sẽ hình thành thói quen yêu cầu gì là được ngay và phản ứng tức giận, la hét… một khi chúng không được đáp ứng.
Chính vì vậy, bỏ qua những nhu cầu bất hợp lý của con có thể là một chiến lược hữu ích. Ngoài ra, có những trẻ thường hành động bướng bỉnh bởi vì chúng thèm được sự chú ý, quan tâm của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ nên làm thế nào để trẻ nhận thấy được yêu thương và quan tâm.
Sau cùng, nếu sau nhiều nỗ lực mà bạn không cải thiện được tình trạng bướng bỉnh ở con thì bạn cần đưa con đến gặp các chuyên gia tâm lý. Thông qua các test kiểm tra, đánh giá tình hình của bé, các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ về con và có định hướng phù hợp nhất.
-.xaluan.com-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét