Nếu bố mẹ nào đang mắc phải những lỗi sai này khi nuôi dạy con cái thì cần sửa ngay khi còn kịp.
Bố mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái, đó là điều tất nhiên, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để có một cách nuôi dạy con cái tốt nhất. Mỗi gia đình đều có một cách nuôi dạy con cái khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu là nuôi dạy con nên người, trở thành một đứa trẻ có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều bà mẹ đang vướng phải một số sai lầm trong cách nuôi dạy con cái. Có những cư xử tưởng như rất nhỏ nhặt hằng ngày của người lớn lại vô tình làm tổn thương đến trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý trẻ về lâu dài. Đã là ba mẹ, ai cũng muốn đem đến điều tốt nhất cho con, chính vì vậy, đừng chỉ vì một chút vô tâm hoặc hời hợt của mình mà bạn vô tình gieo những điều không hay vào lòng con trẻ.
1. Coi con là trung tâm của vũ trụ
Đối với mỗi ông bố bà mẹ, con cái chính là tài sản vô giá không gì có thể sánh bằng. Do đó, ngay từ khi con sinh ra, nhiều bố mẹ đã biến con trở thành trung tâm của tất cả mọi người bởi mọi lo lắng, tình cảm, sự chú ý, yêu thương hay việc làm đều hướng đến con. Việc một đứa trẻ nghĩ mình là “trung tâm của vũ trụ” sẽ khiến con trở nên tự tin thái quá, hay nhõng nhẽo và đòi hỏi. Một số khác lại chịu áp lực lớn, dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm. Chính vì vậy, người lớn trong nhà đừng nên tập trung quá nhiều sự chú ý vào bé. Hãy để cho con có không gian riêng, được thoải mái và bé sẽ tự tìm đến ba mẹ, ông bà khi cần.
Không những vậy, để bảo vệ cho "viên ngọc quý" trong gia đình, bố mẹ sẵn sàng đưa ra chủ trương không cho con ra khỏi nhà nếu không có người lớn đi cùng, không để bé tự lập...Một đứa trẻ như vậy sẽ trở nên nhút nhát và không đủ năng lực sống, mất tự tin, đồng thời nảy sinh tâm lý phụ thuộc cha mẹ.
2. Đặt ra những hi vọng không thực tế
Bố mẹ nào cũng có kỳ vọng và mong muốn riêng dành cho chính những đứa con của mình. Tuy nhiên, có nhiều bố mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, điều này vô hình đã tạo một áp lực rất lớn lên vai những đứa trẻ. Mọi kỳ vọng của bố mẹ dành cho con cái đều suất phát từ tình thương, niềm mong mỏi con được bằng bạn bằng bè. Nhưng nhiều mẹ đặt ra hi vọng có thể nói là quá xa vời với trẻ, mẹ mong con trở thành người mẫu trong khi con chưa cao đến 1m6, hay muốn con trở thành một thiên tài hội họa khi các nét vẽ của con rất thô kệch. Đừng đặt ra cho con và cho chính bản thân mình những kỳ vọng không thực tế, có lẽ sự kỳ vọng duy nhất cha mẹ nên có là "mong muốn các con được hạnh phúc".
Trẻ con dù còn bé nhưng vẫn đã là một cá thể riêng, có suy nghĩ, mơ ước, và một tương lai riêng. Cha mẹ không nên hướng cách mọi suy nghĩ, mong muốn của mình lên con trẻ. Chỉ vì giấc mơ được giàu có của cha mẹ, họ sẵn sàng để con mình lăn lộn ngay từ nhỏ; tương tự muốn con nổi tiếng mà bắt con học đàn học vẽ – đó là thứ bố mẹ muốn chứ chưa chắc đã phải là ý thích của con. Bố mẹ hãy cứ làm bổn phận của mình, hãy cứ yêu thương và quan tâm đến con nhưng tuyệt đối đừng cố gắng ép suy nghĩ của mình lên con trẻ.
3. Ca ngợi, tung hô con quá mức
Có thể nói đây là một cách nuôi dạy con cái mà hầu như mẹ nào cũng mắc.Mẹ nào cũng đều muốn giúp con mình sống tốt và tự tin, nhưng điều này đôi khi thường bị quá đà. Xây dựng cho một đứa trẻ sự tự tin là tốt, nhưng không phải bằng cách khen ngợi quá lên mỗi khi bé đạt được một thành tích gì đó. Một thành tích nhỏ của con, đôi khi được bố mẹ thổi phồng lên tận chín tầng mây. Việc cha mẹ tuyên dương một cách quá mức về thành tích hay công trạng của con sẽ khiến con ngủ quên trên chiến thắng.
Không những vậy, nhiều mẹ còn dành thời gian gặp gỡ hết người nọ người kia để tung hô, tán thưởng con mình. Nhưng thực chất, thói khoe khoang con cái quá đà của nhiều bậc phụ huynh là nguyên nhân hình thành tính ngạo mạn, thiếu khiêm tốn ở con. Đơn giản vì bố mẹ có khiêm tốn đâu mà đòi con phải khiêm tốn. Chính vì vậy, để cứu rỗi phẩm chất và tương lai con mình, cha mẹ hãy thể hiện sự công nhận những cố gắng và kết quả tốt mà con đạt được, nhưng hãy có chừng mực đủ để con có động lực tiếp tục phát huy chứ không phải cảm thấy mình hơn người.
4. Mạnh miệng so sánh con với những đứa trẻ khác
Có lẽ cụm từ “con nhà người ta” không hề xa lạ với bất kỳ ông bố bà mẹ nào bởi đây chính là cái tên để họ có thể lôi ra sử dụng bất cứ lúc nào khi muốn so sánh con với những đứa trẻ khác. Nếu bố mẹ có thói quen so sánh bé với anh (chị) mình, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Không có gì khiến một đứa trẻ cảm thấy khổ sở hơn là bị cho là kém cỏi hay hư đốn hơn bạn bè, anh chị em.
Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy nhiên nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi bé là một cá thể độc lập. Thay vì nói điều này, mẹ nên cổ vũ cá tính và những mặt mạnh của con.
5. Nói chuyện, phàn nàn dài dòng với trẻ
Không một đứa trẻ nào thích một người mẹ nói nhiều, lúc nào cũng phàn nàn về mọi thứ. Con làm gì không vừa mắt là quát là mắng. Với tư tưởng để con không dám tái phạm, mỗi lần quát mắng con thì cứ phải kéo dài hàng chục phút. Có nhiều bậc phụ huynh mắng dai đến mức con phạm sai một lỗi nhưng cứ lôi thêm một vài lỗi khác của con trong quá khứ để tiện mắng luôn một thể. Việc bố mẹ nói nhiều như vậy, đôi khi khiến con cảm thấy chán nản và hình thành tư tưởng xấu là không muốn nghe bố mẹ nói, hay bố mẹ nói thì cứ nói, con nghe như không.
Không những vậy, trong các cuộc nói chuyện đơn giản như hướng dẫn con làm một việc tốt đẹp nào đó, nhiều mẹ phải mất hàng giờ để ngồi giải thích cho con hiểu. Trẻ nhỏ không phải là thiếu niên, các lời giải thích dài hoặc các hướng dẫn sẽ nhanh chóng được vứt bỏ khỏi đầu chúng. Hãy nói vào trọng tâm của vấn đề và hãy sử dụng các từ phù hợp với lứa tuổi của bé.
6. Tự ý thay con lựa chọn và quyết định mọi việc
Có thể nói, mẹ nào cũng muốn lo lắng và chăm sóc cho con mình có được những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh thường can thiệp rất nhiều vào chuyện học hành, sinh hoạt của con. Họ luôn muốn con làm theo ý mình, bởi họ cho rằng, cha mẹ là người đi trước nên luôn có những lời khuyên cùng những định hướng đúng đắn; bởi thế, với bổn phận làm con, trẻ cần phải nghe theo sự chỉ dẫn, định hướng đó dù chưa biết rằng, điều ấy có làm hài lòng suy nghĩ của con hay không.
Đôi khi việc bố mẹ thay con lựa chọn và quyết định mọi việc, không cho con làm theo sở thích của mình sẽ khiến cho trẻ mất đi cảm giác tự do, chúng sẽ cảm thấy bí bách vì không được làm theo thứ mình muốn. Thay vì lựa chọn thay con, cha mẹ hãy trao cho con quyền tự quyết bởi bố mẹ không thể suốt đời thay con đưa ra mọi quyết định. Hãy cho con quyền lựa chọn để con có thể tự làm chủ cuộc đời của chính mình. Cha mẹ hãy cố gắng làm bạn của con, để có thể hiểu được suy nghĩ và mong muốn của chúng.
7. Dùng đòn roi để thực thi “công lý” với trẻ
Rất nhiều mẹ Việt có thói quen dùng đòn roi để đối phó với những việc làm sai trái của trẻ. Nhưng thực tế, đây là cách nuôi dạy con cái vô cùng sai lầm. Việc mẹ lạm dụng đòn roi với trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con, bởi không phải cứ đánh rồi quát mắng con sẽ ngoan. Có thể khi bị quát mắng, trẻ sẽ sợ mà không phạm lỗi một, hai lần đầu, nhưng nếu lạm dụng, trở sẽ tỏ ra “nhờn” và lì lợm, không còn sợ những trận đòn roi nữa, đến lúc đó trẻ sẽ biết cách phản kháng lại bố mẹ. Điều này còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần.
Về điểm phạt con khi mắc lỗi, mẹ Việt cần học hỏi rất nhiều từ bố mẹ Mỹ. Họ có những cách phạt con vô cùng hiệu quả mà không cần phải nhờ đến đòn roi, có khi chỉ cần một câu nói cũng khiến trẻ Mỹ sợ và hối lỗi vì việc mình đã gây ra. Do đó, thay vì vung roi ra họa con, các mẹ nên tìm hiểu và học hỏi các cách phạt con một cách khoa học và hiệu quả con.
(Theo Khám phá)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét