Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Mẹ Pháp mách bạn 5 quan niệm tai hại khi nuôi dạy con

Khánh Chi

Sau 3 năm sống tại Pháp và "mục sở thị" cách nuôi dạy con của những bà mẹ nơi đây, tôi đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm. Từ đó, tôi cũng muốn lưu ý đến các mẹ Việt một vài quan niệm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

1. Quan niệm phải luôn bao bọc cho con

Mỗi độ tuổi trẻ sẽ có một cách thức khám phá thế giới xung quanh khác nhau. Không ít cha mẹ cấm trẻ cho đồ chơi vào miệng, quăng đồ chơi hay nghịch bẩn... vì sợ con bị thương, bị ốm, hay chỉ đơn giản là bị bẩn quần áo...

Thói quen bao bọc con quá mức này khiến cho trẻ không có cơ hội để phát triển những lĩnh vực phù hợp với độ tuổi.

Thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh nên hạn chế nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ bằng cách mua những đồ chơi to để trẻ không thể nuốt được, khử trùng sạch đồ chơi định kỳ để giữ vệ sinh cho con....

2. Quan niệm con chưa biết chơi cái này, cái nọ

Không ít cha mẹ Việt luôn có quan niệm rằng con mình chưa biết chơi cái này, cái kia. Vì thế, họ không chú trọng mua hoặc làm đồ chơi để kích thích con hoặc rất ít tham gia chơi với con.

Trong thực tế, đồ chơi của bé rất đa dạng. Ngoài xe hơi, máy bay, búp bê,... còn có những miếng hình học phẳng, khối, khối lắp ráp... giúp bé học về màu sắc, về kích thước, về khái niệm nặng - nhẹ, trong - ngoài, trên - dưới, đếm số,... Đây là những món đồ chơi phù hợp cho cả bé trai lẫn bé gái.

3. Quan niệm là cha mẹ thì không cần giải thích với con

Đây có lẽ là quan niệm ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết cha mẹ Việt. Họ luôn cho rằng con còn quá nhỏ, đặc biệt đối với trẻ chưa biết nói nên cha mẹ không hay giải thích với con mỗi khi bỏ con lại một mình hoặc rời xa trẻ một lát.

Vì không thấy ba mẹ giải thích gì nên con của bạn mới có cảm giác bị bỏ rơi và sợ sệt. Từ đó, có thể con sẽ hay giật mình, sợ ma, quấy khóc.

4. Quan niệm không cần nói lời xin lỗi với con

Khi bạn là phụ huynh mà trễ hẹn với con hoặc phạt sai con, đừng nên cậy mình là người lớn mà không chịu nói lời xin lỗi con. Đây là cách nuôi dạy con rất sai lầm cần phải từ bỏ. 

Khi có lỗi với 1 đứa trẻ, bạn hãy nêu gương xin lỗi con trước để con bạn cũng biết học cách xin lỗi khi chúng làm điều gì đó sai trái.

5. Quan niệm không cho bé soi gương vì sợ chậm nói

Không ít gia đình Việt có thói quen cấm con soi gương vì sợ điềm không lành hoặc sợ con bị chậm nói. Nhưng thực tế, trẻ em và nhất là trẻ 2-3 tuổi cần phải nhìn mình trong gương để nhận ra chính mình, để biết các bộ phận cơ thể. Thậm chí có thể nhận ra bản thân bé là người có hình thể khác biệt với người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét