Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Hỏi - Đáp: Tại sao cả tháng bé không tăng cân

Bé nhà em khi sinh 4 kg, tháng đầu tăng 1 kg, tháng thứ 2 tăng 1,5 kg, tháng thứ 3 tăng 1 kg, tháng thứ 4 tăng 0,5 kg, tháng thứ 5 không tăng chút nào.

Cháu bú mẹ hoàn toàn. Từ hồi biết lẫy bé có biểu hiện lười bú, chỉ bú khi buồn ngủ nên chậm tăng cân dần. Bé vẫn nghịch và cười cũng như hò hét khi được hỏi chuyện, không có dấu hiệu mệt mỏi hay ốm sốt. Xin hỏi tháng vừa rồi bé không tăng cân có bất thường? Em nên làm gì để cho bé chịu bú trở lại và tăng cân bình thường? Ở lứa tuổi này thì bé nên tăng bao nhiêu lạng một tháng? (Hà Thy)

2months002-5256-1429336153.jpg
Ảnh minh họa: Babygaga.com.
Trả lời
Chào bạn,
Từ tháng thứ 3 sang tháng thứ 4 trung bình bé tăng khoảng 0,6 kg, tháng thứ 4 sang tháng thứ 5 tăng khoảng 0,5 kg. Loại trừ vấn đề liên quan đến bệnh tật, nếu bé không tăng cân có nghĩa là bé ăn chưa đủ so với nhu cầu, nếu tiếp tục kéo dài thời gian như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Hiện bé bú mẹ hoàn toàn, bạn cần cho bé bú đúng tư thế. Khi cho con bú, mẹ ngồi bế con áp bụng vào bụng mẹ, bé ngậm sâu vào quầng đen núm vú thì mới có nhiều sữa. Mẹ không nên nằm cho con bú vì lúc đó bé chỉ ngậm được đầu ti mẹ, sữa ra rất ít, cộng với việc ngậm bắt ti không đúng cách nên bé bú nhiều hơi vào bụng, sữa thì ít, có khi cả đêm bé ngậm ti mẹ nhưng vẫn đói. Mỗi lần cho bú cần thời gian từ 20-30 phút, bạn cho bú hết bầu thứ nhất rồi sang bầu thứ hai. Nhiều bé vừa ti mẹ vừa ngủ, nhưng chỉ khi nào bé bú no tự bé sẽ rời ti mẹ và ngủ ngoan, vẻ mặt thoải mái. Nếu không được ăn no, bé sẽ hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, miệng mấp máy, hay mút tay…
Trước mắt bạn cần ăn uống đầy đủ để có đủ sữa cho con bú. Trường hợp nếu mẹ không đủ sữa thì mới cho ăn thêm sữa công thức nhưng vẫn phải ưu tiên cho bé bú mẹ trước, rồi mới bổ sung thêm sữa công thức nhé.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

4 thực phẩm mẹ Việt cho con ăn hại hơn thuốc độc

Theo một nghiên cứu gần đây về thực phẩm và tình trạng nghiện thức ăn do tạp chí Time đưa tin, điều tồi tệ nhất chính là việc các thực phẩm chế biến sẵn, có hàm lượng muối, đường cao thậm chí còn gây hại cho sức khoẻ hơn cả hút thuốc lá. 
Trẻ em nghiện những món ăn này thậm chí còn nguy hại và đe doạ sức khoẻ hơn cả sử dụng thuốc lá.
Ở nước ngoài, những thực phẩm này được một số người thậm chí gọi là "rác". Vậy nhưng ở Việt Nam, vẫn có rất nhiều mẹ Việt đang vô tư cho con ăn hàng ngày. Những thực phẩm đó chính là:
1. Bim Bim
 

Trong bim bim chứa khá chiều chất gây ung thư acrylamide. Chất này có trong một số nguyên liệu có lượng lớn carbohydrates và phát tác khi thực phẩm bị làm nóng trên 120 độ.
Do đó, trẻ ăn bim bim quá thường xuyên và liên tục sẽ gây hại cho sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các chứng ung thư.
2. Khoai tây chiên
 

Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với acrylamide làm tăng nguy cơ một số loại ung thư, tổn thương thần kinh và các hiệu ứng độc thần kinh khác. Hoá chất acrylamide này hình thành trong nhiều loại thực phẩm khi chúng được làm nóng trên 120 độ C. Tuy nhiên chúng hình thành trong khoai tây chiên là nhiều nhất.
Chất gây ung thư acrylamide có trong khoai tây chiên thậm chí cao gấp 1,5 lần so với hàm lượng có trong bim bim. Dù là khoai tây chiên ở nhà hay ở ngoài cửa hàng ăn uống đều có chứa chất này. Nên hạn chế tối đa lượng sử dụng và tần suất cho con ăn loại thực phẩm này.

3. Bánh ngọt
 

Phần lớn nguyên liệu làm bánh ngọt đều chế biến từ bột lúa mạch. Khi nướng ở nhiệt độ cao, sản sinh ra chất gây ung thư tương tự như trong bim bim hay khoai tây chiên. Hơn nữa, bánh ngọt cũng chứa rất nhiều đường tinh chế - loại đường có xu hướng làm tăng vọt mức insulin và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư
Tuy nhiên, đối với những loại bánh ngọt nướng ở nhiệt độ thấp, ít đường lại không xảy ra tình trạng này. Tốt nhất chị em nên hạn chế tần suất cho con ăn bánh ngọt, vừa tránh béo phì lại giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.
4. Xúc xích
 
 
 
Các loại thịt chế biến kiểu xúc xích, thịt xông khói có chứa một thành phần gây ung thư được gọi là tiền thân của natri nitrit . Theo một nghiên cứu của đại học Hawaii trên gần 200.000 người trong vòng bảy năm qua, những người tiêu thụ các loại thịt chế biến nhất (xúc xích và các loại thịt tương tự) có 67 phần trăm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy hơn những người tiêu thụ sản phẩm thịt ít hoặc không có.
 
 
Theo Khám phá

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

6 Kỹ năng SINH TỒN cần thiết PHẢI dạy con

Kỹ năng thoát hiểm, tìm người trợ giúp hay sử dụng các vật nguy hiểm... là những kỹ năng cơ bản cha mẹ cần trang bị cho con trước mọi tình huống

1. Dạy con kỹ năng thoát hiểm

Bé ở nhà một mình an toàn là điều mà bất kể cha mẹ nào cũng phải dạy con cho bằng được. Khi con lớn lên, cha mẹ sẽ không thể có thời gian giám sát con suốt ngày đêm. Dạy con các kỹ năng thoát hiểm và cách phòng tránh tai nạn trong nhà là việc quan trọng hàng đầu. Hỏa hoạn, ngập lụt, động đất... là những dạng tai họa mà không ai có thể nói trước. Dạy con cách ứng phó từ bây giờ để con biết cách thoát ra. Đặc biệt, cha mẹ cần khẳng định với con: “Không có gì quý hơn chính bản thân con”. Vì thế, con không cần mang theo bất kể cái gì khi thoát ra. Con cũng không cần cứu ai trước khi cứu chính con. Khi nào thoát ra ngoài rồi, con cần phải kêu cứu. Nếu bé nào cũng biết điều đó thì tỷ lệ tử vong do các thảm họa gây ra sẽ giảm tới mức tối thiểu.

2. Dạy con kỹ năng tìm người trợ giúp

Trẻ em nên học cách nhận ra những người có trách nhiệm giúp đỡ mình như lính cứu hỏa, cảnh sát, bảo vệ, nhân viên cấp cứu…. Nếu bé bị thất lạc, những người có đặc điểm nào nên là người để bé tin tưởng và hỏi sự trợ giúp. Ngoài việc dạy con cách phân biệt dựa vào đồng phục, mẹ cũng nên chỉ rõ cho bé cách nhận biết dựa vào tác phong và công việc họ đang làm. Ví dụ trong một siêu thị, làm thế nào để bé phân biệt được giữa khách mua hàng bình thường và nhân viên siêu thị chính là kỹ năng mẹ cần dạy con.

3. Dạy con nguyên tắc khi ở nhà một mình

Nguyên tắc là không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ nhưng nếu thấy có người có vẻ cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật TV thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn.
4. Dạy con tránh các tình huống nguy hiểm
Cha mẹ cần dạy con tránh xa những nơi như đường ray xe lửa, hồ nước, ao, sông, bể bơi hay chạm vào những vật như hóa chất, phích cắm điện, dây điện, công tắc, cầu chì và các bộ phận dính líu tới nguồn điện, thiết bị, công cụ, máy móc có động cơ, dao, kéo và các vật sắc nhọNhững nơi cần tránh xa, lửa, bếp, phích nước nóng và những thứ tương tự.
Dạy con sử dụng đúng cách, không gây sát thương cho bản thân và người khác là việc mà cha mẹ cần quan tâm ngay từ khi con mới 4, 5 tuổi. Dạy con làm từ từ từng việc một và dưới sự quan sát của cha mẹ sẽ giảm thiểu tác hại. Sau đó, các cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về kỹ năng này của con.
5. Dạy con giao tiếp và ứng phó với người lạ
Ở nhà, thỉnh thoảng cũng có khách của bố mẹ đến chơi khi bố mẹ đi vắng. Cha mẹ cần phải dạy con ứng xử sao để lịch sự vui vẻ. Cũng có thể có nhiều người xấu ẩn giấu trong cái vẻ đàng hoàng. Những vụ án xâm hại gần đây đã chỉ rõ điều đó. Cha mẹ nên dạy con cách trả lời khách lịch sự và có khoảng cách an toàn. Cách cư xử lịch sự (trang phục gọn gàng, không hớ hênh), cách ngồi, nói năng… đảm bảo để có thể yên tâm là con luôn an toàn.
Lâu lâu, cha mẹ cũng sẽ cần một ai đó chạy ra phố làm việc vặt (mua gói tăm, quả ớt….). Dạy con cách qua đường, đi chợ, xưng hô với người lớn tuổi… là những kỹ năng cần thiết giúp con tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống.

6. Dạy con quan sát

Việc quan sát không chỉ giúp con rút ra kinh nghiệm từ sự việc của người khác mà còn giúp con có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Lá cây màu gì, chúng thay đổi màu thế nào, bầu trời màu gì, cơn đằng nào thì hay mưa gió… Đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị mà con còn có thể mang vào các bài văn, làm phong phú cho bài. Vì thế, cha mẹ đừng quên dạy con cách quan sát.
Trong chương trình học của trường West Point - nơi uy tín đào tạo ra các CEO xuất sắc thế giới, có một bài tập kiểm tra đầu vào tương tự như sau: "Đầu tiên, họ nhốt từng tốp sinh viên vào trong phòng, sau hai giờ thì thả ra và yêu cầu sinh viên trả lời các câu hỏi như có bao nhiêu bóng đèn trong phòng, bàn ghế màu gì, lúc vào là mấy giờ, lúc ra mấy giờ, người ngồi bên trái có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì...". Nếu trả lời không được, sinh viên đương nhiên bị loại. Đó là bài học đầu tiên về óc quan sát, yếu tố quan trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và có rất nhiều những bài học tương tự như vậy.
Được học cách quan sát ngay từ nhỏ sẽ giúp bé trưởng thành rất nhiều.

Nguyễn Huyền (tổng hợp từ VTC, VNE, vietnamnet)

"Điểm danh" những nguy hiểm ngay trong nhà đối với trẻ

Có con nhỏ đồng nghĩa với việc bạn không thể chủ quan bất cứ giây phút nào, vì ngay cả khi ở trong nhà thì vẫn có những mối nguy hiểm đe dọa sự an toàn cho trẻ.
So với trẻ sơ sinh, một đứa trẻ biết lật, biết bò hay trẻ tập đi sẽ dễ gặp nguy hiểm hơn, chính vì vậy, ở từng giai đoạn phát triển của con bạn cần nghĩ đến những các nguy cơ đe dọa sức khỏe và sự an toàn của bé, cũng như cách giảm nguy cơ tai nạn cho bé ngay ở trong chính ngôi nhà của mình.
Dù bạn đang rất mệt mỏi hay bận rộn. Hãy luôn ưu tiên cho sự an toàn của con yêu. Hãy nhìn xung quanh theo cách của bé, cúi xuống thấp ngang tầm mắt của bé và nhìn quanh dưới sàn nhà hay trên tường ở tất cả các phòng. Sau đó nhìn lên cao khoảng một mét xem có những mối nguy hiểm nào đối với bé hay không, nếu có hãy sử dụng ngay biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.
Hãy tham khảo một số lưu ý quan trọng dưới đây:
tai nạn, phòng tránh, trẻ nhỏ
tai nạn, phòng tránh, trẻ nhỏ
tai nạn, phòng tránh, trẻ nhỏ
(Theo Trí Thức Trẻ)

Cách hay đối phó với những cơn cáu kỉnh của trẻ

Rất nhiều những người làm cha mẹ nhận thấy đối phó với những cơn cáu kỉnh của con cái dường như luôn là “nhiệm vụ” khó khăn và dễ gây bực mình nhất, đặc biệt khi con trẻ đang ở thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên ba”.

Tuy nhiên, theo như ông John Sargent – chuyên gia tâm lý và sức khỏe của trẻ em, trường đại học Y Baylor, Houston: “Trẻ ở độ tuổi này đang nhận thức rằng chúng có khả năng thể hiện mình, việc cãi lại cha mẹ là một cách để các bé TỰ TIN hơn”.
Đối phó với những cơn cáu kỉnh của con cái dường như luôn là “nhiệm vụ” khó khăn với bố mẹ (ảnh minh họa)

Vậy là đối với các bé, việc dần ý thức được bản thân cũng đồng nghĩa với việc nhận ra thế giới xung quanh có quá nhiều thứ khó hiểu và trẻ cảm thấy mình thật yếu đuối, bé nhỏ. Trở nên ương bướng, làm ngược lại với yêu cầu của cha mẹ, nói không với tất cả những ý kiến của người khác … là cách để bé cảm giác mình có chút “quyền năng”.

Do vậy, điều cần làm trước tiên với cha mẹ khi con cái bất ngờ trở nên khó bảo là: bình tĩnh và dịu dàng. Chúng ta không thể dùng cơn thịnh nộ của người lớn để đối ứng với cơn thịnh nộ của bé. Đứa trẻ ngay lúc đang bướng bỉnh, cần được hướng dẫn để điều chỉnh cảm xúc và chính bạn sẽ làm gương cho bé về sự ôn hòa. 

Hãy tự nhủ, sự cáu giận của bạn sẽ qua đi, và đứa trẻ mà bạn yêu thương hết mực này cần bạn dạy bảo một cách nhẹ nhàng nhất. Bạn có thể chờ một lúc cho cảm xúc dịu lại rồi mới bắt đầu phản ứng với hành vi của bé, những lời khuyên sau có thể rất hữu dụng:


1. Cho bé quyền quyết định bằng cách đặt ra các câu hỏi có tính lựa chọn: 


Tránh yêu cầu trẻ bằng các câu mệnh lệnh mà đưa ra các câu hỏi để bé có khả năng tự quyết định cho mình. Điều này giúp trẻ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân. Ví dụ như: “con thích mặc áo màu xanh hay màu đỏ?”, “ đến giờ đi ngủ rồi, con muốn nghe mẹ hát hay kể chuyện?”, “ Nào, bé ngoan biết dọn dẹp, con muốn dọn đồ chơi màu vàng trước, hay màu xanh trước?”
2. Biến các hoạt động cần sự hợp tác của trẻ thành các trò chơi nho nhỏ:

Sẽ có lúc trẻ luôn nói KHÔNG trước bất cứ lời nói nào của cha mẹ, dù ta đã thử ngọt nhạt hết mức. Lý do có thể vì trẻ cảm thấy khó chịu khi phải dừng hoạt động vui chơi nào đó để đi tắm, rửa tay, đi ngủ…nhưng nếu đó là một trò chơi khác thì trẻ sẽ dễ dàng bị cuốn hút để làm theo yêu cầu của mẹ khi tham gia vào trò chơi nho nhỏ đó.  

Hãy thử chuyển hóa yêu cầu thành trò chơi. Chẳng hạn như: “Bây giờ mình đi tắm, con muốn mẹ lấy xà bông hóa trang cho con có bộ râu giống như ông già tuyết không?”, “ Rửa tay trước khi ăn nào, con với mẹ thi xem ai nhảy lò cò tới nhà vệ sinh trước nhé?”, “ây giờ xem con có  bỏ rác vào thùng trước khi mẹ đếm đến 10 không nhỉ?..1..2…”  

Nên chờ một lúc cho cảm xúc dịu lại rồi mới bắt đầu phản ứng với hành vi của bé (ảnh minh họa)

3. Cho trẻ cơ hội để trở nên “mạnh mẽ” như người lớn
Tất cả các em bé đều có niềm khát khao mãnh liệt là được coi như người lớn. Nắm được tâm lý này, cha mẹ có thể thuyết phục bé nghe lời bằng cách tạo ra  “nhiệm vụ” cho “người khổng lổ bé” như cách của mẹ Ngân (Quận 3, TP.HCM)  hay dùng với Jerry. 

Mỗi khi đưa Jerry đi đâu chơi, tới giờ về bé nhất định không chịu về, mẹ Ngân bèn đặt ra các tình huống cần bé “giúp đỡ”: “ Mẹ cần con giúp mẹ lấy xe, một mình mẹ không đủ mạnh để kéo cái xe nặng nề đó ra được đâu”. Hay  nhờ bé giúp đỡ nhặt rau, xếp đồ… vì “Mẹ bận quá, nếu con giúp mẹ thì mẹ sẽ đỡ mệt hơn nhiều đấy”, thế là Jerry luôn hăng hái "gánh vác" những trọng trách đó.  Trở nên có ích rõ ràng luôn khiến bé yên tâm và háo hức hợp tác hơn là bị sai bảo phải làm thế này, thế kia.
Đối với trẻ, thế giới thần tiên diệu kỳ với cô tiên, phép màu…luôn có sức hấp dẫn ngọt ngào vô cùng. Và cậu bé Bin 3 tuổi cũng bị cuốn hút bởi những nhân vật thần tiên đó. Mẹ của Bin - chị Kim Anh thường trò chuyện với Bin rằng những em bé ngoan luôn được chăm sóc, bảo vệ bởi các cô tiên, nếu cô tiên nhận ra Bin cũng là một em bé ngoan, cô sẽ để lại lời nhắn hay phần thưởng cho Bin lúc Bin không có nhà, hoặc lúc Bin đang ngủ. 

Thi thoảng, khi hôm nào Bin ngoan ngoãn, hợp tác ôn hoà, chị lại lén để ra ban công một thứ gì đó như lời nhắn của thần tiên. Có khi chỉ là cục kẹo, hay món đồ chơi nhỏ, trái táo...và khi Bin bất ngờ tìm thấy "lời nhắn" đó, bé vui mừng đến vỡ oà, vì rõ ràng bé đã được công nhận rằng mình rất ngoan. Bằng hành động dễ thương này, mẹ Bin đã khiến bé luôn ý thức được hành động của mình, nỗ lực để được "trở thành bé ngoan" mọi lúc, mọi nơi. Nhờ thế những khuyên bảo của mẹ cũng dễ được bé tiếp thu hơn.

Điều cần làm trước tiên với cha mẹ khi con cái bất ngờ trở nên khó bảo là: bình tĩnh và dịu dàng (ảnh minh họa)

5. Cha mẹ cần nhất quán với lời nói và hành động của mình 


Khi hành vi của trẻ như "cơn cuồng phong", thời điểm đó chúng ta muốn làm cách nào đó tìm lại bầu trời xanh bình yên ngay lập tức. Chính điều đó chi phối phản ứng của cha mẹ trong từng thời điểm. Những lúc tâm trạng vui vẻ, cha mẹ có thể dễ dàng đáp ứng đòi hỏi của trẻ, tuy nhiên cũng chung một tình huống như vậy tại thời điểm khác, có thể do tâm trạng không tốt, cha mẹ lại không chấp nhận hành vi khó chịu của trẻ và phản ứng hoàn toàn khác so với những lần trước. 

Chính phản ứng không nhất quán của cha mẹ tại các thời điểm khác nhau khiến cho đứa trẻ không phân biệt được lúc nào nên hay không nên làm việc gì. Hãy đặt ra các nguyên tắc cho cha mẹ và bé và phải đảm bảo rằng những nguyên tắc đó chắc chắn sẽ được thực hiện trong mọi thời điểm. Khi đó, lời nói của cha mẹ sẽ có giá trị rất cao đối với trẻ. 

Như vậy có thể thấy, bằng những cách xử lý tinh tế, logic cha mẹ hoàn toàn có thể nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Nhưng về cơ bản những phương pháp giáo dục trẻ dựa trên sự tôn trọng cảm xúc, quyền lợi của chính đứa trẻ. Có như thế, đứa trẻ mới học được cách tôn trọng chính bản thân và những người xung quanh. Và có như thế, chúng ta sẽ kêu gọi được sự hợp tác của con cái mình, không những chỉ là khi chúng còn nhỏ mà đến khi chúng dần lớn lên và trưởng thành.

Vũ Thị Thu Hằng (Giáo viên tiếng Anh)

Những loại quả thực sự tốt cho trẻ

Trẻ em là lứa tuổi cần được chăm sóc chu đáo để bứt phá phát triển cho một tương lai vượt trội. Hoa quả vốn dĩ rất tốt, nhưng do đặc điểm sinh học của trẻ khác với người lớn, nên chỉ có một số loại quả thực sự tốt cho trẻ em. Chúng tôi xin giới thiệu một số loại hoa quả nên dùng cho trẻ trong dịp xuân này.
Dưa hấu
Trong nhóm hoa quả thực dưỡng, dưa hấu là nhóm quả đáng ăn nhất với trẻ em. Lý do hết sức đơn giản: Dưa hấu vô cùng dễ ăn, chúng có vị ngọt dịu, rất thích hợp với trẻ em. Cứ 100g dưa hấu sẽ chứa 3g đường các loại. Thêm vào đó, đây là loại quả á quân về beta caroten, chỉ thua xoài. Beta caroten là một chất dẫn xuất của vitamin A, vốn rất cần cho đôi mắt trẻ em.
Chưa hết, dưa hấu còn chứa nhiều đồng, selen, các loại vitamin B rất thích hợp để thúc đẩy tiêu hóa.
Đu đủ chín
Đu đủ chín cũng là loại quả được ưa chuộng trên bàn thờ trong dịp Tết do ý nghĩa từ tên gọi của nó. Về đời sống, đu đủ là thứ quả bình dị. Nhưng về giá trị dinh dưỡng, đu đủ lại ở trong nhóm giàu dưỡng chất, là loại quả giàu beta caroten thứ 3, sau xoài và dưa hấu. Cứ 100g đu đủ chín chứa khoảng 276mcg beta caroten, cung cấp đủ 35% nhu cầu của bé trong ngày. Tất cả nhu cầu vitamin A sẽ được đu đủ chín bổ sung hoàn thiện.
Ngoài ra, đu đủ chín còn có một lượng khá canxi, với khả năng cung cấp đủ 4% nhu cầu canxi một ngày cho trẻ. Đu đủ chín còn có chứa enzym cho hệ tiêu hóa papain. Vì thế, nếu bé yêu tích cực được ăn đu đủ chín, hệ tiêu hóa của bé sẽ hoạt động trơn tru. Bạn sẽ giảm gánh nặng biếng ăn, bỏ bữa hay nôn trớ do sợ ăn của bé.
Hồng xiêm
Hồng xiêm là loại quả hay được bày trong mâm ngũ quả người miền Bắc. Mặc dù so với thứ quả nhập ngoại, hồng xiêm thua về ngoại hình; nhưng về bản chất, nó lại chiến thắng về dinh dưỡng.
Tại sao vậy? Hồng xiêm là loại quả giàu sắt đứng hàng thứ 2, sau đu đủ chín. Ăn 100g hồng xiêm, tương đương với 2 quả, đã đủ cung cấp 29% nhu cầu sắt trong 1 ngày của trẻ. Với hàm lượng sắt này, hồng xiêm được xếp trong nhóm quả giàu sắt nhất. Cùng với beta caroten, hồng xiêm đã góp phần làm giàu tiền chất vitamin A cho trẻ. Ngoài ra, hồng xiêm là loại quả giàu canxi. Nếu ăn 100g hồng xiêm thì bé yêu sẽ thu được 52mg canxi, tương ứng với 5% nhu cầu trong 1 ngày. Với một thực phẩm quả, lượng canxi như vậy là rất ấn tượng để làm cho bé cao lớn vượt trội.
hoa quả, trẻ nhỏ
Vú sữa
Vú sữa là một quả mà trẻ em rất nên ăn. Qua phân tích, người ta thấy vú sữa vô cùng giàu canxi, là thứ quả giàu canxi nhất trong các quả ăn được ở ta. Trong 100g vú sữa cung cấp khoảng 68mg canxi. Lượng canxi này đủ cho 6,8% nhu cầu của bé.
Na
Na chứa nhiều protein, do vậy na nằm trong danh sách các thứ quả nên ăn với trẻ nhỏ, nhất là trẻ 3 tuổi. Trong 100g na có khoảng 2,1g protein. Lượng protein này vốn là protein rất dễ hấp thu, chúng có khả năng đáp ứng 5,7% nhu cầu protein một ngày cho bé. Lượng protein này cùng với protein trong sữa và trong thịt sẽ giúp bé to khỏe, rắn chắc.
Ngoài ra, na còn chứa nhiều axit béo omega-6. Trong 100g na có chứa 40mg axit béo loại này. Đây là thế hệ axit béo tham gia chủ yếu trong cấu trúc não bộ và các cấu trúc thần kinh. Vì thế, na sẽ là loại quả xứng đáng đưa vào danh sách thực phẩm nhằm giúp bé thông minh.
Xoài
Xoài là loại quả giàu hàm lượng beta caroten nhất, còn gọi là vitamin A thực vật. Trong 100g xoài có chứa 445mcg beta caroten. Chỉ cần cho bé ăn chừng 1/2 quả xoài đã đáp ứng đủ 30% nhu cầu beta caroten hằng ngày của bé.
Xoài là loại quả chứa hầu hết các axit amin cần thiết cho hệ miễn dịch. Trong số 20 axit amin tồn tại ở tự nhiên thì xoài chứa 19 loại với hàm lượng khá cao. Nếu tích cực ăn xoài, bé sẽ hấp thu được nhiều axit amin loại này. Do đó, hệ miễn dịch của bé sẽ vững chắc hơn và hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Trong xoài còn có chứa rất nhiều cholin. Ăn đủ thực phẩm chứa cholin sẽ làm não bộ của bé hoạt hóa hơn. Trong 100g xoài chứa 7,6mg cholin. Nếu bé yêu ăn 1/2 quả xoài, đã thu được chừng 7mg cholin cho hệ thần kinh.
(Theo BS. Yên Lâm Phúc/ Sức khỏe & Đời sống)